Khám phá các chương trình phòng thủ tên lửa chiến lược mới của NATO

0:00 / 0:00
0:00
Các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đứng đầu là Mỹ đang tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của mình. Các dự án và hệ thống mới được triển khai ở nhiều khu vực khác nhau trên toàn cầu, cũng như trong không gian vũ trụ.
Khám phá các chương trình phòng thủ tên lửa chiến lược mới của NATO ảnh 1

Cơ chế hoạt động của vệ tinh thế hệ mới HBTSS. Ảnh: Northrop Grumman

Vệ tinh không gian

Trong hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của Mỹ và NATO, nhiệm vụ phát hiện sớm hành động phóng tên lửa của kẻ thù tiềm tàng được giao cho tàu không gian dòng SBIRS của Mỹ. Nhóm vệ tinh này gần như đã được hình thành hoàn chỉnh và đang trong tình trạng trực chiến, với vai trò của hệ thống cảnh báo sớm. Trong thời gian tới, lễ ra mắt những thiết bị cuối cùng sẽ diễn ra.

Tư lệnh Lực lượng không gian và lãnh đạo Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ tin rằng, ở cấu hình đầy đủ, SBIRS hoàn toàn phù hợp với các nhiệm vụ trong hiện tại và tương lai. Nhóm vệ tinh này có khả năng phát hiện các vụ phóng của tên lửa xuyên lục địa cơ bản và các tổ hợp siêu thanh mới. Đồng thời, sự phát triển của hệ thống SBIRS sẽ tiếp tục trong tương lai.

Ngoài ra, các vệ tinh mới của hệ thống Hồng ngoại liên tục trên không thế hệ tiếp theo (NG OPIR - Next Generation Overhead Persistent Infrared) có thể trở thành một giải pháp thay thế cho SBIRS ở cấp độ mới. Dự án này đề xuất phương án phát triển một vệ tinh SPRN, có chức năng tương tự như SBIRS, nhưng hiệu suất cao hơn. Việc phát triển các thiết bị như vậy sẽ bắt đầu vào năm 2025, khi đó Lực lượng Không gian Mỹ có kế hoạch phóng vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo.

Đối với các mối đe dọa mới, theo yêu cầu của Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ, chương trình phát triển vệ tinh HBTSS (Cảm biến không gian siêu âm và theo dõi đạn đạo), với các chức năng tiên tiến đã được triển khai. Hai nhà thầu Northrop Grumman và L3Harris đã tham gia vào chương trình này. Dự kiến, chậm nhất vào năm 2023, họ phải hoàn thành việc thiết kế và trình làng các vệ tinh thử nghiệm thuộc loại mới này.

Vệ tinh HBTSS sẽ hoạt động ở quỹ đạo thấp của Trái Đất và phát hiện các vụ phóng tên lửa thuộc các lớp khác nhau. Đồng thời, nhiệm vụ chính của nó là phát hiện đầu đạn siêu thanh, theo dõi toàn bộ quỹ đạo và chỉ định mục tiêu cho vũ khí phòng thủ tên lửa.

Bên cạnh đó, các quốc gia châu Âu thuộc NATO đang có kế hoạch tạo ra nhóm vệ tinh SPRN của riêng mình. Từ năm 2019, các nước Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan và Phần Lan đã phát triển dự án phòng thủ tên lửa chiến lược TWISTER (Cảnh báo và đánh chặn kịp thời bằng hệ thống giám sát trên không gian). Một trong những thành phần chính của hệ thống phòng thủ tên lửa này là các vệ tinh do thám. Gần đây, quá trình phát triển của các thiết bị trên đã được triển khai, song các chi tiết kỹ thuật vẫn còn thiếu.

Phương tiện kỹ thuật vô tuyến

Hiện nay, hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO bao gồm một số lượng đáng kể các trạm radar trên mặt đất và trên biển, sử dụng cho các mục đích khác nhau. Trong đó, có một số radar cảnh báo tên lửa lớn được đặt ở Mỹ, cùng các trạm từ tổ hợp Aegis Ashore được triển khai ở các nước châu Âu. Các hệ thống này được bổ sung cho các tàu chiến, với hệ thống Aegis BMD hiện đại, có nhiệm vụ tuần tra ở nhiều khu vực khác nhau.

Trong tương lai xa, thành phần phòng thủ tên lửa trên mặt đất sẽ phải tiến hành nâng cấp ở quy mô lớn. Cách đây không lâu, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ đã khởi động việc phát triển một loại radar mới DARC (Deep Space Advanced Radar Capability).

Theo báo cáo, 3 trạm radar mới này có thể được xây dựng vào cuối thập kỷ này. Chỉ một trong số đó sẽ hoạt động tại Mỹ, 2 chiếc còn lại sẽ được xây dựng ở Anh và Australia. Vị trí lắp đặt của radar, kết hợp với các đặc tính kỹ thuật cao của chúng sẽ đảm bảo cho việc giám sát hiệu quả trên tất cả các hướng quan trọng trên toàn cầu.

Có thông tin cho rằng, radar kiểu DARC sẽ là một tổ hợp mặt đất, bố trí trên diện tích khoảng 1 km2. Thành phần quan trọng của nó là 15-20 anten thu và phát đường kính lớn. Nhờ có máy phát mạnh mẽ và hệ thống tính toán hiệu suất cao, DARC sẽ có thể phát hiện và theo dõi các vật thể có kích thước bằng quả bóng đá ở phạm vi và độ cao lên đến 36.000 km.

Khám phá các chương trình phòng thủ tên lửa chiến lược mới của NATO ảnh 2

Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ. Ảnh: Viện Hải quân Mỹ

Phương tiện hủy diệt

Hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO cho đến nay đều dựa vào các phương tiện hủy diệt theo thiết kế của Mỹ. Theo đó, các tên lửa đánh chặn SM-3 và SM-6 được sử dụng như một phần của tổ hợp Aegis BMD/Ashore, và các vũ khí phòng thủ trên mặt đất đang thực hiện nhiệm vụ tại Mỹ. Trong trung và dài hạn, các tên lửa đánh chặn đầy hứa hẹn sẽ xuất hiện và không chỉ do Mỹ sản xuất.

Hiện tại, Mỹ đang phát triển một phương tiện đánh chặn thế hệ mới NGI (Next-Generation Interceptor). Khả năng hiện đại hóa sâu tên lửa phòng thủ mặt đất hiện có hoặc tạo ra một sản phẩm mới đang được xem xét. Đồng thời xuất hiện đề xuất tạo ra một tên lửa nhiều tầng, với giai đoạn đánh chặn động năng. Trong trường hợp thuận lợi, các NGI đầu tiên sẽ có thể ở trạng thái chiến đấu vào năm 2027-2028.

Cách đây vài tuần, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ đã khởi động chương trình đánh chặt lướt GPI (Glide Phase Interceptor), nhằm phát triển một loại vũ khí đánh chặn đầu đạn siêu thanh. Các nhà phát triển hàng đầu của Mỹ đã tham gia vào dự án. Trong những tháng tới, kế hoạch sơ bộ sẽ được đưa ra. Tuy nhiên, thời điểm hoàn thành chương trình và thời gian trực chiến của GPI vẫn chưa được công bố.

Tên lửa đánh chặn mới này sẽ được phát triển dành cho tổ hợp TWISTER của châu Âu. Các yêu cầu cao nhất đã được đề ra. Theo đó, đầu đạn sẽ phải đạt tốc độ ít nhất 5 Mach và bay ở độ cao từ 80-100 km. Các mục tiêu của nó sẽ là tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, các tên lửa hành trình khác nhau và thậm chí cả đầu đạn siêu thanh. Tên lửa đánh chặn TWISTER sẽ hoạt động trên đất liền và trên biển.

Nhìn chung, NATO rất chú trọng đến các vấn đề phòng thủ tên lửa chiến lược và chiến thuật. Song, trong tất cả các nước NATO, chỉ có Hoa Kỳ là đã chứng tỏ được những thành công thực sự trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa chiến lược. Các hệ thống của Mỹ được triển khai trên cả lãnh thổ của mình và ở cả các nước đồng minh.

Trước đây, các nước châu Âu không quan tâm đúng mức đến việc phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình và chỉ dựa vào công nghệ của Mỹ. Giờ đây, họ đã thay đổi quan điểm và đang cố gắng phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa mới, với khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của Mỹ.

Do đó, trong ngắn hạn và trung hạn, hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược của NATO sẽ dần phát triển. Theo nhận định chung, các hệ thống phòng thủ riêng của châu Âu sẽ xuất hiện vào cuối thập kỷ này, song sức mạnh và tầm ảnh hưởng của chúng vẫn còn là một ẩn số.


Link gốc:

https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/cac-chuong-trinh-phong-thu-ten-lua-chien-luoc-moi-cua-nato-681883

Theo Minh Tuấn/Báo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG