Ngày 3/12/2015, trang web của Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (UBKTKLTW) đăng tải thông báo kỷ luật đặc biệt: Lưu Hướng Đông, sinh 1955, Tỉnh ủy viên, Trưởng đoàn “tuần thị” (thanh tra giám sát) của tỉnh ủy Sơn Tây bị “song khai” (tức khai trừ đảng tịch và mọi chức vụ).
Từ nhà báo đến trưởng đoàn điều tra tham nhũng tỉnh
Lưu Hướng Đông xuất thân nhà báo, có gần 10 năm công tác tại Đài phát thanh và Đài truyền hình tỉnh Sơn Tây. Năm 1985, từ một phóng viên mảng kinh tế, Lưu Hướng Đông chuyển sang làm chính trị, công tác tại Cục Thương nghiệp. Năm 36 tuổi, Lưu Hướng Đông đã là Phó Giám đốc Sở Ngoại thương rồi Giám đốc Sở Môi trường 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Đến tháng 7/2013, ông ta được điều về tỉnh ủy làm Trưởng đoàn “tuần thị”, phụ trách thanh tra toàn diện thành phố Lã Lương, trọng điểm về tham nhũng của tỉnh.
Thực ra, Lưu Hướng Đông đã bị “song quy” (cách ly, giam lỏng để điều tra) từ tháng 3/2015, nhưng khi đó thông báo của tỉnh ủy Sơn Tây chỉ nêu chức vụ của ông ta là Giám đốc Sở Môi trường, không đả động đến vai trò là Trưởng đoàn “tuần thị”, một chức vụ “nhạy cảm” và đầy quyền uy.
Theo báo chí Trung Quốc, năm 2013, Lưu Hướng Đông được tỉnh ủy giao làm Trưởng đoàn “tuần thị” số 1, tháng 11 cùng năm dẫn đoàn về thanh tra thành phố Lã Lương “vùng thảm họa tham nhũng”; năm 2014, ông ta tiếp tục dẫn đoàn “tuần thị” vào thanh tra Sở Khoa học kỹ thuật tỉnh và bị “nhập kho” khi chưa kịp báo cáo kết quả.
Thông báo về việc “song khai” Lưu Hướng Đông cho biết tội lỗi của ông ta: “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị; tẩu tán và che giấu số lượng lớn tang vật, ngăn cản tổ chức thẩm tra; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tuần thị, tiết lộ bí mật công tác; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức, lợi dụng chức vụ để giúp người khác trong lựa chọn, đề bạt cán bộ rồi nhận hối lộ; có các hoạt động phi tổ chức trong điều chỉnh chức vụ và tranh phiếu bầu cử; che giấu, không báo cáo nhiều khoản lớn về tài sản cá nhân và cổ phiếu sở hữu; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật liêm khiết, lợi dụng chức vụ mưu lợi cho người khác trong kinh doanh để nhận hối lộ; vi phạm nghiêm trọng kỷ luật sinh hoạt. Trong đó, vấn đề lợi dụng chức vụ mưu lợi cho người khác để nhận tiền và vật có dấu hiệu phạm tội”.
Tới đây, Lưu Hướng Đông sẽ bị Viện Kiểm sát khởi tố và ra trước vành móng ngựa vì phạm tội nhận hối lộ. Với số tiền nhận hối lộ khá lớn, dư luận phỏng đoán mức án mà tòa án dành cho Lưu Hướng Đông ít nhất cũng là tù chung thân.
Nhận hối lộ tới 200 triệu tệ
Tỉnh Sơn Tây được coi là “vùng trũng về tham nhũng”. Chỉ riêng ban lãnh đạo cấp tỉnh, trong vòng 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8/2014) đã có 7 quan chức liên tiếp nối nhau ngã ngựa gồm: Nhiệm Nhuận Hậu (Phó tỉnh trưởng), Bạch Vân (Ủy viên thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ban Mặt trận thống nhất), Nhiếp Xuân Ngọc (UVTV, Tổng thư ký tỉnh ủy), Trần Xuyên Bình (UVTV, Bí thư thành ủy Thái Nguyên), Lệnh Chính Sách (Phó chủ tịch Chính Hiệp), Đỗ Thiện Học (UVTV, Phó tỉnh trưởng), Kim Đạo Minh (Phó Chủ tịch HĐND).
Ngoài ra, trung ương phải đưa ông Vương Nho Lâm từ Cát Lâm về “cứu hỏa” làm Bí thư tỉnh ủy thay ông Viên Thuần Thanh “lên” trung ương làm Phó Tổ trưởng lãnh đạo công tác nông thôn. Sau khi về Sơn Tây, nơi đầu tiên tân Bí thư Vương Nho Lâm đến khảo sát là thành phố Lã Lương, sau đó ông chọn nơi này là chặng đầu tiên để tỉnh ủy tiến hành thanh tra toàn diện mặc dù trước đó đã có 3 lãnh đạo thành phố và một loạt lãnh đạo cấp huyện, các xí nghiệp bị điều tra.
Đoàn “tuần thị” của Lưu Hướng Đông được điều về Lã Lương thanh tra lần thứ 2. Tuy nhiên, khi nghe báo cáo kết quả ông Vương Nho Lâm đã “nghiêm khắc phê bình” đoàn: “Không tìm hiểu kĩ vấn đề, nắm manh mối không rõ”, đề nghị quay về làm lại, đảm bảo chất lượng thanh tra, giữ uy tín cho công tác thanh tra của tỉnh ủy.
Thanh tra lần 2, quả nhiên Lã Lương lộ mặt một loạt quan tham. Riêng ngày 25/12/2014 đã có 7 quan chức thành phố bị tỉnh ủy thông báo “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, 6 người bị “song khai”, trong khi đó kết luận của đoàn “tuần thị” lần đầu do Lưu Hướng Đông cầm đầu chỉ là: “cá biệt cán bộ lãnh đạo dính líu đến vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng; tham nhũng vặt khá rõ, việc xây dựng đảng phong liêm chính và đấu tranh chống tham nhũng còn chưa đáp ứng được kỳ vọng của quần chúng”.
Sau khi Lưu Hướng Đông bị ngã ngựa, báo chí phanh phui việc ông ta ngang nhiên có các hành vi bao che các đối tượng vi phạm bằng cách thông báo cho họ biết, đe dọa người tố giác… Hồi tháng 5/2015, trong một hội nghị về chống tham nhũng, ông Vương Nho Lâm đã nói về Lưu Hướng Đông: “trên người, trên xe, trong phòng làm việc, ở nhà riêng và nhiều nhà cho thuê đều chất đống giấy bạc Nhân dân tệ và các loại ngoại tệ, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, vàng.
Chỉ riêng số tiền, vàng đã lên tới 150 triệu tệ; ngoài ra còn rất nhiều thư họa, ngọc khí, đồ cổ và nhiều căn hộ. Tổng số tiền, đồ vật, bất động sản do tham nhũng mà có không dưới 200 triệu tệ (khoảng 33 triệu USD). Gia tài có hàng trăm triệu tệ như thế, nhưng ông ta vẫn tìm các doanh nghiệp tư nhân để mượn xe; xe chạy cũ rồi lại mang đến đổi chiếc mới. Tết vừa rồi vẫn còn nhận của 5 người hơn 200 ngàn tệ… Khi nhân viên điều tra khám nhà, tìm chỗ nào cũng thấy các thùng chứa tiền mặt phủ đầy bụi bặm, có thùng đã bị mốc, mục”.
Theo Nhật báo Nam Phương, Lưu Hướng Đông còn có vấn đề về tác phong sinh hoạt. Ông ta và vợ chưa ly hôn nhưng lại thường xuyên sống chung với một phụ nữ người Đông Bắc. Để tiện qua lại với người tình ở một căn hộ riêng, Lưu không sử dụng xe công do Sở Môi trường bố trí đưa đón tại nhà, mà tự lái xe “mượn” của doanh nghiệp.
Tết vừa rồi, Lưu Hướng Đông vẫn còn nhận của 5 người hơn 200 ngàn tệ… Khi nhân viên điều tra khám nhà, tìm chỗ nào cũng thấy các thùng chứa tiền mặt phủ đầy bụi bặm, có thùng đã bị mốc, mục.