Triển khai mô hình trường học mới:

Khắc phục “bệnh” nói nhiều của giáo viên

Lớp học theo mô hình trường học mới
Lớp học theo mô hình trường học mới
TP - Sau ba năm triển khai thí điểm, nhiều tỉnh/thành đã chủ động nhân rộng mô hình trường học mới - VNEN ở địa phương mình.

Đây là một mô hình tổ chức dạy học được đông đảo giáo viên cũng như cán bộ quản lý giáo dục đánh giá cao, tuy nhiên lại kén giáo viên. Để dạy học mô hình VNEN hiệu quả, giáo viên phải khắc phục “bệnh” nói nhiều.

Giáo viên phải đi... dép lê

Cô Lê Thị Thu Hiền là giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Đại Từ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Cách đây hai năm, Trường tiểu học thị trấn Đại Từ bắt đầu tham gia thí điểm tổ chức dạy học theo mô hình VNEN, cô Hiền là một trong số không nhiều giáo viên được nhà trường lựa chọn đi tập huấn ở tỉnh. 

Năm học 2012 – 2013, cô trực tiếp dạy học sinh lớp 3, năm sau cô theo các em lên lớp 4 và năm học này, cô tiếp tục cùng các em lên lớp 5. Cô Hiền chia sẻ: “Lớp tập huấn đầu tiên chỉ giúp tôi hình thành bước đầu hình ảnh về một lớp học của mô hình trường học mới. Đại để đó là một môi trường học tập mà học sinh phải tự học, giáo viên thì không đóng vai trò thuyết giảng mà chủ yếu là hướng dẫn - hỗ trợ các em. Còn để thao tác một cách nhuần nhuyễn, thành thục như bây giờ tôi phải trải qua nhiều khóa tập huấn khác cộng với quá trình trải nghiệm thực tế. Hơn nữa, trong suốt quá trình dạy học tôi phải đọc và suy ngẫm nhiều sách vở - tài liệu tập huấn”. 

Theo cô Hiền, để tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới, giáo viên vất vả hơn rất nhiều so với mô hình trường học truyền thống. Điểm nổi bật của mô hình VNEN là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học. Trong lớp, các em ngồi học theo nhóm, hướng mặt về nhau để cùng trao đổi và tự học. 

Quản lý lớp học là “hội đồng tự quản học sinh” cùng các “ban” trong lớp, do tập thể lớp bầu ra. Học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. “Hội đồng tự quản học sinh” là công cụ hữu hiệu, một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục. Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.

“Dù chỉ đứng ở vị trí người hướng dẫn, nhưng không vì thế mà vai trò của giáo viên trở nên mờ nhạt. Cô giáo phải làm sao để bao quát được hoạt động của tất cả các nhóm (với lớp học truyền thống thì việc này dễ dàng hơn do tất cả học sinh đều phải hướng lên bảng), phải di chuyển liên tục và hợp lý từ nhóm này sang nhóm khác để cho việc hoạt động nhóm của các em là thực chất chứ không mang tính hình thức. Thời gian đầu, thậm chí chúng tôi còn không dám mang giày mà phải đi dép lê để đỡ đau chân”, cô Hiền kể.

Chữa “bệnh” nói nhiều

Học sinh không hiểu bài là nỗi ám ảnh trong hầu hết mỗi giáo viên tham gia thí điểm mô hình VNEN, khi mà mô hình này đòi hỏi giáo viên phải... nói ít, giảng ít, mà chỉ tập trung quan sát, hướng dẫn học trò tự học. 

Cô Nguyễn Thị Thanh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân An, huyện Yên Dũng, Bắc Giang cho biết: “Theo mô hình tổ chức lớp học truyền thống, với mỗi bài học giáo viên đặt vấn đề cần giải quyết, sau đó để học sinh khai thác những nội dung cần tìm hiểu trong vấn đề đó, cuối cùng giáo viên chốt lại những gì cần ghi nhớ. 

“Ban đầu nhiều cô giáo cứ thắc mắc, dạy thế thì học sinh làm sao hiểu được! Nhưng giờ thì các cô tự tin lắm rồi, vì so với học sinh của lớp truyền thống, học sinh VNEN rất chủ động, mạnh dạn, năng nổ, diễn đạt rất mạch lạc. Những em giỏi là giỏi thật sự, nhờ năng lực tự học của chính mình chứ không phải do được nhồi nhét”. 

Cô giáo Lê Thị Thu Hiền, Trường Tiểu học thị trấn Đại Từ, huyện Đại Từ, 

tỉnh Thái Nguyên

Nhưng khi dạy theo VNEN thì giáo viên chỉ là người hướng dẫn để các em tự trải nghiệm, làm việc cá nhân, chia sẻ trong cặp đôi, thảo luận trong nhóm để tự làm việc với nhau, tự chiếm lĩnh kiến thức, rút ra bài học. Ban đầu triển khai, giáo viên nào cũng chỉ lo học sinh của mình không hiểu bài, nên dạy được vài bài lại quay về giảng giải theo cách cũ; thậm chí có giáo viên buổi sáng dạy theo VNEN, buổi chiều dạy theo truyền thống”.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Trường Tiểu học Hùng Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, để chữa “bệnh” nói nhiều, giáo viên không còn cách nào khác là phải được thực hành mô hình VNEN. 

“Tôi cũng như hầu hết các thầy cô khác, cứ lo học sinh không hiểu bài nên phải nói, nói thật nhiều! Nhưng qua thực tế ba năm làm VNEN, tôi rút ra được bài học quý giá: cứ để cho học sinh trải nghiệm, cứ để các em tự đúc kết, thì kiến thức thu được mới thực sự là của các em. Chỉ khi nào các em gặp khó khăn, tỏ ra không hiểu thì mới cần sự hỗ trợ, can thiệp của giáo viên. Quan trọng là giáo viên phải tìm ra cách gợi mở, giúp các em hình thành được kiến thức mới”, cô giáo Huệ nói.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.