Chiều 14/10, trao đổi với Tiền Phong về việc có hay không ém nhẹm thông tin dầu bẩn tràn vào suối đầu nguồn nước, lãnh đạo Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) khẳng định: "Chúng tôi không giấu gì và đang nỗ lực khắc phục sự cố".
Về việc chậm báo cáo sự cố, đơn vị này cho rằng do đoàn liên ngành yêu cầu báo cáo nên thời điểm này mới làm. Bên cạnh đó, Viwasupco cũng có "phản hồi đầy đủ các đơn vị mua nước của công ty".
Về câu hỏi nếu nước không đảm bảo chất lượng, Viwasupco có bồi thường thiệt hại cho khách hàng hay không, đại diện công ty này tuyên bố: "Chưa tính tới phương án đó, bởi chúng tôi là bán buôn tới các công ty nước sạch rồi các công ty này mới bán lẻ cho người dân".
Theo nguồn tin của Tiền Phong, cơ quan chức năng đã hoàn thành việc xét nghiệm mẫu nước và có kết quả. Nước sinh hoạt của người dân được xét nghiệm rất nhiều thành phần, trong đó có những chỉ số hợp chuẩn và có những chỉ số vượt ngoài tiêu chuẩn. Đặc biệt, nước sinh hoạt có chỉ số hàm lượng mùi vượt ngưỡng tiêu chuẩn.
Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện UBND đang tổng hợp báo cáo từ Sở Xây dựng, Sở Y tế để có thông tin chính thức đến người dân.
Được biết, trong sáng nay (14/10), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tiến hành lấy 8 mẫu nước để xét nghiệm tại các hộ dân cư tại 2 quận Thanh Xuân và Hoàng Mai.
Trước đó, báo Tiền Phong đã có phản ánh về việc rất nhiều hộ dân ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông và H.Hoài Đức… (Hà Nội) không dám dùng nước do Cty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) sản xuất vì có mùi hóa chất nồng nặc.
Ban quản lý nhiều khu chung cư đã có văn bản thông báo về chất lượng nước tới cư dân. Một số ban quản lý nhà chung cư đã đưa mẫu đi xét nghiệm.
Trong khi đó, các đơn vị mua nước của Viwasupco bán cho người dân đã gửi nhiều văn bản cho Viwasupco nhưng không được phản hồi phù hợp.
Thay thế các chủ đầu tư nước sạch không đảm bảo tiến độ, chất lượng
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 4450/UBND-ĐT chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện kết luận của Thường trực HĐND thành phố về phiên giải trình việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các đơn vị tham mưu UBND thành phố các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thực hiện tốt chỉ tiêu cung cấp nước sạch, đảm bảo số lượng, chất lượng, mạng lưới phân phối theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, kiểm tra các nhà đầu tư đang triển khai dự án nguồn, dự án mạng chậm tiến độ, kiên quyết thu hồi dự án, chuyển nhà đầu tư đối với các trường hợp không triển khai dự án hoặc năng lực không đảm bảo.
Sở Xây dựng cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư của các chủ đầu tư dự án cấp nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, đồng thời kiểm soát, thẩm định chặt chẽ năng lực của các nhà đầu tư.
Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp các đơn vị rà soát lại tổng thể các cơ chế, chính sách để có giải pháp hữu hiệu hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực nước sạch. Sở Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch, chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm.
Sở TN&MT chủ trì sớm hoàn thành việc xây dựng kế hoạch, lộ trình và cơ chế hỗ trợ nhằm đẩy nhanh việc đóng các giếng khai thác nước ngầm trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác tài nguyên nước trái phép; giải quyết các kiến nghị của nhà đầu tư liên quan đến đất đai, quy hoạch, nguồn nước...
UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án; đề xuất thay thế ngay các nhà đầu tư triển khai dự án không đảm bảo tiến độ, chất lượng; tiếp thu, giải quyết những kiến nghị của người dân và nhà đầu tư trên địa bàn.
Các nhà đầu tư dự án nước sạch trên địa bàn được yêu cầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh thực hiện các dự án theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cấp nước theo quy định; tích cực, chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã trong tuyên truyền về sử dụng nước sạch và bảo vệ hệ thống cấp nước trên địa bàn nhằm nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch và giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu…