Kẹo bạc hà + uống nước có gas, coi chừng!

Kẹo bạc hà + uống nước có gas, coi chừng!
TP - Nhai kẹo bạc hà Mentos loại tròn và uống Coca Cola từng làm nổ miệng một em bé và rất tiếc hiện tượng này chưa được cơ quan quản lý nào cảnh báo.
Kẹo bạc hà + uống nước có gas, coi chừng! ảnh 1 Kẹo bạc hà + uống nước có gas, coi chừng! ảnh 2
Bọt khí trắng xóa trào ra từ lon nước giải khát 7 Up... ... sau khi bỏ viên bạc hà Mentos vào

Một em bé (người nước ngoài) uống ngụm nước giải khát Coca Cola từ một hộp vừa mở trong lúc đang nhai viên kẹo Mentos. Miệng em đột nhiên phồng to, mắt trợn ngược và lên cơn sặc rồi ngạt thở.

Trước tai nạn bất ngờ, cơ quan chức năng cho xét nghiệm viên kẹo và chai Coca Cola. Không có chất độc nào được phát hiện trong mẫu xét nghiệm. Mở rộng tìm hiểu các gói kẹo bạc hà Mentos và các chai Coca Cola khác, cũng không phát hiện dấu hiệu độc hại gì.

Chỉ đến khi suy luận khả năng viên kẹo có thể tạo ra phản ứng hóa học nào đó do uống với nước Coca Cola được đưa ra, người ta mới tiến hành thử trộn hai thứ đó với nhau.

Mở một chai Coca Cola, cho ngay một viên kẹo Mentos vào. Bất đồ chai Coca Cola sủi bọt và bắn lên không trung. Một cột mang màu đặc trưng của nước Coca Cola, màu nâu, dựng đứng trên miệng chai.

Chúng tôi mang thắc mắc đến một phòng thí nghiệm của Viện Hóa học thuộc Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam. Thí nghiệm được lặp lại và các nhà khoa học đưa ra giải thích bước đầu cùng một số khuyến cáo.

Theo PGS.TS Lê Văn Cát, Viện Hóa học, hiện tượng bỏ viên kẹo bạc hà Mentos vào chai nước giải khát Coca Cola và dòng khí mạnh phụt lên từ chai là có thật. Dòng khí phụt lên đó không gì khác ngoài khí carbonic (CO2). Một lượng lớn khí CO2 được tạo ra bất ngờ và nó bắn ra miệng chai, kéo theo nước từ trong chai.

“Lượng khí bất ngờ trên đủ sức gây ngạt nếu bắn trực tiếp vào miệng một em bé” - Một bác sỹ tai mũi họng nói. Vậy khí CO2 đó ở đâu ra, có phải từ viên kẹo bạc hà Mentos không?

Vẫn theo PGS.TS Cát, khí CO2 đó có trong thành phần viên kẹo (ở dạng ion) và có sẵn trong nước Coca Cola cũng như các loại nước giải khát có gas khác. Để tạo ra cảm giác mát lạnh khi uống, nhà sản xuất thường nạp khí CO2 vào nước giải khát.

Vấn đề là, để đảm bảo an toàn, nhà sản xuất điều chỉnh thành phần sao cho lượng CO2 được giải phóng từ từ trong quá trình uống. Để làm được việc đó, một lượng hóa chất (đương nhiên không độc hại cho cơ thể) được nhà sản xuất đưa vào nước giải khát để duy trì cân bằng hóa học sau đây:

HCO-3 <==> H2CO-3  <==> CO2

Nếu thành phần HCO3 tăng hoặc được bổ sung, cân bằng hóa học trên sẽ dịch chuyển sang bên phải và khí CO2  được giải phóng.

Để chứng minh quá trình hóa học này, PGS Cát cho một hợp chất hóa học chứa thành phần bicarbonate (HCO-3) vào chai nước Coca Cola. Chúng tôi thấy một cột bọt khí tương tự bắn tóe ra miệng chai.

Đáng chú ý, không phải loại kẹo bạc hà Mentos nào cũng gây ra phản ứng trên. Bước đầu tìm hiểu, các nhà khoa học thấy chỉ có loại kẹo bạc hà Mentos hình tròn như băng phiến (Chewy Gragees), giá 2.000 đồng/gói 10 viên là gây ra hiện tượng nguy hiểm. Các viên hình vuông và hình con nhộng chưa thấy có hiện tượng đó.

Các nhà khoa học đang tiếp tục xác minh bằng thực nghiệm xem viên bạc hà dạng băng phiến có đúng là có thành phần HCO-3 không vì “Để làm việc này cần có thêm thời gian”.

Không dùng “thập cẩm” Mentos và giải khát có gas

Theo PGS.TS Cát, lượng CO2 hòa tan khiến cho nước giải khát có pH thấp hay, nói cách khác, có độ acid cao. Mặt khác, việc sử dụng chất bảo quản 338 trong nước giải khát Coca Cola mà nhà sản xuất ghi trên nhãn mác, cũng góp phần làm giảm độ pH của nước Coca Cola. “Bởi vì chất bảo quản 338 chính là acid phosphoric có tác dụng duy trì sự ổn định của pH”.

Các nhà khoa học kiểm tra bước đầu thấy pH của nước Coca Cola là 3 (pH = 3). “Như thế là quá thấp”, một nhà khoa học chuyên phân tích độc chất nhận xét.

Được hỏi có quy định nào về mức pH trong nước giải khát không, BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Cấp phép Đăng ký, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế, nói: “Không có quy định nào cả. pH thấp là do hàm lượng CO2 trong nước giải khát cao nhưng CO2 được phép dùng trong sản xuất nước giải khát”.

Một bác sỹ đề nghị giấu tên nói, các thành phần carbonic như nhận định ở Viện Hóa học là đúng và không có gì mới. Nhưng ông đề nghị cần phổ biến cho người tiêu dùng không được dùng chung nước giải khát có gas với kẹo bạc hà, loại có thành phần hydrogenate.

Mặt khác những người dùng thuốc có thành phần bicarbonate (HCO-3), nhất là các loại thuốc đau dạ dày, không được uống với nước giải khát có gas.

“Với những người đau dạ dày, điều đó càng nguy hiểm vì thuốc có bicarbonate càng làm giải phóng CO2 khi uống với nước có gas. Càng nhiều CO2 trong dạ dày, độ acid càng cao và dạ dày càng bị tổn thương nặng”.

MỚI - NÓNG