Kẻ tháo chạy, người nhảy vô

Kẻ tháo chạy, người nhảy vô
TP - Từ vị thế nhìn đâu cũng thấy địch thủ, cửa đăng cai Asian Games thứ 18 năm 2019 của Việt Nam bỗng sáng ngời bởi những ông lớn lần lượt tự động rời đường đua.

Đăng cai Asian Games 18:

Kẻ tháo chạy, người nhảy vô

Cách đây gần ba năm, trong quá trình vạch chiến lược cho việc xin đăng cai đại hội thể thao lớn nhất châu lục, Asian Games lần thứ 18 năm 2019, các kiến trúc sư trưởng của đề án này đã chỉ ra rằng Malaysia là đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong cuộc đua này nhờ lợi thế rất lớn về cơ sở vật chất cũng như kinh nghaiệm tổ chức những đại hội thể thao lớn.

Nhưng cuối năm 2010, tin vui bất ngờ đến với những người hoạch định chiến lược khi Malaysia quyết định rút lui khỏi cuộc đua đăng cai Asian Games 2019 do cảm thấy không gánh nổi chi phí tổ chức quá lớn, ước tính tối thiểu khoảng 1,6 tỷ RM (tương đương gần 11.000 tỷ đồng).

Cùng với Malaysia, hai đại gia khác hùng mạnh không kém, nếu không muốn nói là hơn, về tiềm lực tài chính và kinh nghiệm tổ chức là Ấn Độ và Hồng Kông-Trung Quốc cũng lần lượt tuyên bố rút khỏi cuộc đua này vì những lý do khác nhau.

Lần giở lại lịch sử tổ chức Asian Games từ lần đầu tiên đã thấy sự thay đổi thất thường trong tổ chức đã trở thành đặc sản. Ngay lần đầu tổ chức, do khâu chuẩn bị không kịp, nước chủ nhà Ấn Độ đã phải dời lịch từ năm 1950 sang đầu tháng 3-1951 dù chỉ tổ chức 6 môn thể thao với chưa đầy 500 VĐV thuộc 11 quốc gia tham dự.

Năm 1970, Hàn Quốc từ bỏ quyền đăng cai tổ chức Asian Games với lý do có vấn đề về an ninh quốc gia, nhưng thực chất là do không đảm bảo được tài chính. Sự cố này buộc nước vừa tổ chức kỳ đại hội trước đó là Thái Lan phải đứng ra gánh thay nhiệm vụ do có sẵn cơ sở vật chất, sau khi Nhật Bản từ chối tổ chức thay với lý do vướng Expo’70 ở Osaka. Hàn Quốc phải bù một phần kinh phí tổ chức cho Thái Lan.

Đến Asian Games 1978, tới lượt Pakistan bỏ quyền tổ chức đại hội họ giành được năm 1975 do khủng hoảng tài chính và các vấn đề chính trị. Thái Lan lại được mời ra tay nghĩa hiệp và đại hội một lần nữa được tổ chức ở Bangkok. Cùng với lần tổ chức gần đây nhất năm 1998, Thái Lan là nước duy nhất có tới bốn lần làm chủ nhà một kỳ Asian Games chỉ trong vòng 32 năm, và cả bốn lần đều được Quốc vương Bhumibol Adulyadej tuyên bố
khai mạc.

Trở lại với kỳ Asian Games 2019, trước những cuộc tháo chạy bất ngờ đó, đường đua tưởng chừng rất chật hẹp với gần 10 ứng cử viên bỗng trở nên thoáng đãng với chỉ bốn VĐV còn sót lại là Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Đài Loan-Trung Quốc và Indonesia.

Và trong khi các cuộc tháo chạy khỏi vinh dự đăng cai Asian Games hầu hết đều do vấn đề kinh phí quá lớn thì theo Phó chủ tịch kiêm TTK Ủy ban Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang, nếu được trao quyền tổ chức, Việt Nam chỉ tốn khoản kinh phí 3.150 tỷ đồng (khoảng 130-150 triệu USD), chỉ bằng 1/10 kinh phí mà Trung Quốc đã bỏ ra cho Asian Games 16 hay 1/3 số tiền Malaysia dự tính trước khi bỏ của chạy lấy người.

Lý do, Việt Nam gần như không phải xây dựng cơ sở vật chất mới mà đến năm 2019 cũng chỉ sử dụng hệ thống sân bãi được đầu tư cho SEA Games 22 năm 2003. Bên cạnh đấy, thông lệ Asian Games, tương tự Olympics, chỉ tổ chức ở một thành phố, cũng bị phá vỡ với việc tổ chức thi đấu ở nhiều tỉnh thành khác như TPHCM, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh…

Kẻ tháo chạy, người nhảy vô ảnh 1

Tuy nhiên, không ít nhà chuyên môn mà tiêu biểu là nguyên Vụ trưởng Vụ TT thành tích cao I Ủy ban TDTT Nguyễn Hồng Minh lại cho rằng tổ chức một kỳ Asian Games mà chỉ với 3.150 tỷ gần như là điều không tưởng, khi mà kế hoạch là tại đại hội này, Việt Nam dự kiến tổ chức 35 môn thi đấu (26 môn Olympic bắt buộc) với sự tham gia tranh tài của 11.000 HLV, VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á, kéo dài trong 16 ngày của tháng 11 hoặc tháng 12-2019.

Và bên cạnh Asian Games, nước chủ nhà còn có nghĩa vụ tổ chức Asian Para Games, đại hội dành cho những VĐV khuyết tật của châu lục.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG