'Kẻ ngáng đường' trong bảo tồn di sản đô thị cổ - làng cổ Việt Nam

Đô thị cổ Hội An.
Đô thị cổ Hội An.
TP - Các Di sản đô thị - làng cổ Việt Nam đang đối mặt không ít khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy.

Tọa đàm Vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn di sản đô thị cổ - làng cổ Việt Nam diễn ra tại TP Hội An (Quảng Nam) ngày 18/8 thu hút sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản, nhà quản lý; đại diện Ban quản lý các làng cổ Việt Nam, bao gồm các làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), Phước Tích (Thừa Thiên Huế), Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang), Khánh Sơn (Nghệ An), làng gốm Thanh Hà (Hội An) tham dự và thảo luận những vấn đề địa phương mình gặp phải trong công tác bảo tồn và phát huy di sản.

Vấn đề bảo tồn được đặt ra cấp thiết, và nhiều năm qua ngành chức năng quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên công tác bảo tồn và phát huy di tích hiện nay còn nhiều khó khăn bất cập. Hiện nay các Di sản đô thị - làng cổ Việt Nam đang đối mặt không ít khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy.

Một thách thức khác trong công tác bảo tồn di tích được nhắc đến nữa như thiếu nguồn vốn đầu tư; nguồn vật tư, vật liệu khan hiếm; nhân lực hạn chế; bất cập về kỹ thuật công nghệ chưa được chuẩn hóa... Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp quy chưa đầy đủ và phù hợp. Các luật còn chồng chéo, chưa có hành lang pháp lý cho lĩnh vực trùng tu di sản. Đối với quản lý di tích sống gặp khó khăn trong giải quyết bài toán gắn với quá trình phát triển, nhu cầu thiết yếu của người dân, lồng ghép giữa bảo tồn và phát huy.

Ngoài ra, một thách thức nữa tại làng cổ này là vấn đề giãn dân. Hiện, mỗi ngôi nhà cổ bị áp lực sống bởi 3 - 4 thế hệ chung sống nên người dân buộc phải chia ra, làm thay đổi kiến trúc của ngôi nhà. Điều này có thể gây nên tác động không tốt trong bảo tồn các ngôi nhà cổ. Tuy nhiên, bài toán cũng đặt ra bảo tồn như thế nào để gắn với cả lợi ích cho người dân.

Theo ông Phạm Phú Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, Bảo tồn di tích ở Việt Nam là ngành non trẻ, còn nhiều vấn đề cần xây dựng hoàn thiện cả về lý thuyết tu bổ bảo tồn, hệ thống văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách, nâng cao nhận thức cho những người làm công tác bảo tồn, giải quyết bài toán mâu thuẫn làm thế nào cân bằng giữa bảo tồn và phát triển... Vấn đề bảo tồn cần đồng thuận của cả chính quyền và người dân - những người trực tiếp sinh sống, tương tác trong những ngôi nhà, ngôi làng và đô thị cổ. 

Ông Hiroyuki Toyoki - Cục Văn hóa thuộc Cơ quan Văn hóa Nhật Bản cho rằng, trước khi người dân tham gia vào bảo tồn phát huy các giá trị di sản làng cổ, đô thị cổ thì điều trước tiên làm sao người dân ở đó phải hiểu được giá trị làng cổ. Đó là điều kiện tiên quyết để có thể đạt đến mục tiêu bảo tồn. Ngoài ra, 3 bên chính quyền – người dân – Công ty du lịch cần thống nhất, đưa ra được phương án tối ưu nhất công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ông Hiroyuki Toyoki cũng cho biết sẽ tiếp tục huy động sự hỗ trợ của các tổ chức ở Nhật Bản trong các vấn đề về kỹ thuật trùng tu, phát triển các chương trình cộng đồng mang lại lợi ích cho người dân…

Hiện nay Việt Nam có hơn 40.000 di tích trong đó có gần 3.300 di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, di tích Quốc gia đặc biệt. Đến nay Việt Nam đã có 25 di sản thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm di sản văn hóa và thiên nhiên; di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và Di sản tư liệu.

MỚI - NÓNG