Kể chuyện dâng kiếm và trống đồng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Kể chuyện dâng kiếm và trống đồng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp
TP- Trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho nền Văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, trống là văn vật tượng trưng cho tinh hoa văn hóa và ý chí quật cường của dân tộc ta.

Thời Trần, trống đồng Đông Sơn được sử dụng trong đánh trận… 

“Có đại tướng nào như thế?”

Mới hơn hai giờ chiều mà trong sân nhà đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đông người. Vào lúc ba giờ sẽ diễn ra lễ mừng 60 năm ngày Bác Hồ phong quân hàm cho các tướng lĩnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam (28/5/1948-28/5/2008).

Trong số khách, chúng tôi nhận ra trung tướng Lê Hữu Đức (nguyên Cục trưởng Cục tác chiến), trung tướng Hồng Cư; đoàn chiến sĩ cảm tử quân thành Hà Nội, các cựu chiến binh huân chương lấp lánh trên ngực, nhà báo Đỗ Phượng, giáo sư sử học Phan Huy Lê, nhà sử học Dương Trung Quốc… cùng rất đông các phóng viên với một rừng máy ảnh và máy quay phim.

Chúng tôi chú ý đến một phụ nữ nước ngoài đứng tuổi, mái tóc bạc kẹp lại nền nã. Bà là Lady Borton, nhà văn Mỹ đã có 40 năm gắn bó với Việt Nam.

Nhiều người đã biết bà là tác giả những cuốn sách về Việt Nam nổi tiếng ở Mỹ như “Tìm hiểu kẻ thù”, “Tiếp sau nỗi buồn”, “Hồ Chí Minh – Một chân dung” (viết chung với David Thomas).

Nhưng ít người biết bà chính là người đã dịch bộ ba hồi ức của đại tướng Võ Nguyên Giáp sang tiếng Anh: Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử.

Bà còn là người đã cung cấp những trang hồ sơ quý về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công, vai trò của luật sư Loseby… cho các đồng nghiệp Việt Nam.

Đã từ lâu, bà trở thành người bạn thân trong gia đình đại tướng. “Tôi biết hôm nay sẽ có rất đông người đến mừng đại tướng. Có thể tôi không được gặp trực tiếp đại tướng, nhưng tôi sẽ được gặp lại nhiều bạn bè.”

Quả thật, rất nhiều vị khách tươi cười chào hỏi, trò chuyện và xin chụp ảnh với Lady Borton. Tôi hỏi: “Cô đã đi nhiều nơi trên thế giới, đã thấy ở đâu có một buổi lễ nhân dân dâng kiếm tặng một vị tướng như thế này chưa?”

Lady cười vang: “Ở Trung Quốc thì tôi không biết, nhưng những nơi khác thì tôi chưa thấy! Làm gì có một đại tướng nào như thế để nhân dân dâng kiếm? Chỉ có một tướng Giáp thôi!”

Trong số rất đông khách mời đi dạo trong sân, chúng tôi còn chú ý tới hai nhà sư. Nhà sư trẻ mặc áo nâu, trên tay không rời chiếc camera ghi hình. Nhà sư lớn tuổi hơn, mặc áo vàng, dáng thong thả, thư thái.

Hỏi ra được biết tên thầy là Thích Thiện Đức, trụ chì chùa Linh Sơn thượng ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Nhà chùa đã tham gia đóng góp tiền công đức để đúc trống đồng dâng lên đại tướng hôm nay.

Hòa thượng Thích Thiện Đức cho biết: Chúng tôi thật vinh dự khi lần đầu tiên được diện kiến đại tướng. Thông qua những kỷ vật này, phật tử chúng tôi cùng nhân dân Thanh Hóa bày tỏ lòng thành kính trước những công lao to lớn của đại tướng với đất nước và dân tộc.

Ngày này năm xưa…

Trong hồi ức Chiến đấu trong vòng vây, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại sự kiện đặc biệt cách đây 60 năm: Ngày 28 tháng 5, vào lúc 1 giờ chiều, lễ phong quân hàm được tổ chức trọng thể.

Bác Hồ tay cầm sắc lệnh gọi đại tướng Võ Nguyên Giáp lên. Bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Bác nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…” rồi bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt.

Giây phút đó làm cho cả hội trường vô cùng xúc động. Lát sau Bác mới nói tiếp: “… Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”

Buổi lễ kết thúc, mọi người ngồi quây quần quanh Bác. Bác nói: Việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác hôm nay là kết quả biết bao hy sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí…

Sau này có một phóng viên phương Tây hỏi Bác vì sao một lúc phong nhiều tướng, tá  như vậy, việc phong cấp này dựa trên tiêu chuẩn nào.

Bác đã trả lời: đánh thắng đại tá phong đại tá; đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, đánh thắng trung tướng phong trung tướng, đánh thắng đại tướng phong đại tướng. Thật rõ ràng, giản dị và sâu sắc.

Kể chuyện dâng kiếm và trống đồng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận trống đồng. Ảnh: Hồng Vĩnh

Nói về tư cách một người làm tướng, Bác bảo: “Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng phải: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” “Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi; khi bảo đánh, họ sẽ hăng hái đánh” “nếu người tướng không chịu học hỏi, cứ đứng một chỗ thì nhất định bị lạc hậu”…

Có thể nói, trong suốt cuộc đời mình, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện xuất sắc những lời chỉ bảo và tư tưởng của Người.

Chúng tôi hỏi nhà sử học Dương Trung Quốc: “Dưới góc độ của người làm sử, ông có thể cho biết, trong lịch sử dân tộc ta, những danh tướng nào từng được nhân dân dâng tặng kỷ vật tương tự như hôm nay?” – “Trong chính sử thì cá nhân tôi chưa thấy.

Nhưng tình cảm của nhân dân dành cho một vị tướng tài thì chắc chắn đời nào cũng có. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sau khi phá tan giặc Nguyên Mông đã trở về sống giữa nhân dân.

Hình ảnh người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong theo tôi là một trong những tình cảm đẹp nhất mà quân sĩ, nhân dân dành cho một vị tướng”.

Đoản kiếm và trống đồng đã được làm ra như thế nào?

Chúng ta đã biết chiều dài, kích cỡ của trống đồng mang các con số tượng trưng cho những mốc thời gian của sự kiện phong quân hàm đại tướng.

Các hoa văn trên mặt kiếm và trống thể hiện những chiến công hiển hách của bộ đội ta qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ mà đại tướng Võ Nguyên Giáp là tổng tư lệnh.

Theo giáo sư sử học Phan Huy Lê, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đây trước hết là sáng kiến của Hiệp hội di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, nơi phát hiện nền văn hóa Đông Sơn với nhiều cổ vật nổi tiếng.

Trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho nền Văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Những chiếc trống này trong suốt hàng nghìn năm đã là văn vật tượng trưng cho tinh hoa văn hóa cũng như ý chí quật cường của dân tộc ta.

Theo các nhà sử học thì thời Trần, trống đồng Đông Sơn được sử dụng trong đánh trận và còn là nhạc cụ dùng trong các buổi lễ.

Kiếm và trống dâng lên đại tướng hôm nay đã được đúc bằng phương pháp thủ công, lấy theo nguyên mẫu kiếm và trống Đông Sơn tìm thấy ở Quảng Xương, Thanh Hóa năm 1934.

Giáo sư Lê lưu ý, cách gọi thanh kiếm dâng đại tướng bằng kiếm lệnh là chưa chính xác. Kiếm lệnh vốn của người trên ban cho người dưới, kèm theo quyền uy và sức mạnh.

Thanh kiếm mà nhân dân dâng tặng đại tướng với lòng tôn kính và biết ơn thì không thể gọi là kiếm lệnh được. Cách gọi chính xác thì đây là thanh đoản kiếm.

Nghệ nhân Thiều Quang Tùng ở huyện Đông Sơn đã dành hơn hai tháng, tìm đất, nặn khuôn và đúc thành công hai kỷ vật. Cả một bề dày văn hóa, lịch sử nối dài từ thời Hùng Vương dựng nước đến ngày hôm nay, gửi gắm trong thanh kiếm và trống đồng dâng lên đại tướng, làm món quà mang một ý nghĩa đặc biệt.

Hòa thượng Thích Thiện Đức cho biết: kiếm và trống bằng đồng, nhưng khi đúc đã búng thêm vàng vào. Sau khi đúc xong, còn tổ chức hô thần cho kiếm và trống trở nên linh.

“Công lao này thuộc về đồng bào, chiến sĩ ta!” 

Ba giờ chiều, hơn kém một chút, đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các thành viên gia đình xuất hiện ở phòng khách. Những tràng pháo tay bật lên chào mừng.

Thay mặt cho những người làm sử, giáo sư Phan Huy Lê nói: Lễ phong quân hàm cho một đại tướng và chín thiếu tướng đầu tiên của quân đội ta có một ý nghĩa lịch sử rất lớn.

Sáu mươi năm đã trôi qua, thật mừng là đại tướng vẫn còn hết sức minh mẫn, tiếp tục chăm lo cho việc quân, việc dân, việc nước. Đại tướng đã đề xuất với Đảng và Nhà nước ta nhiều ý kiến có giá trị.

Được dâng tặng kỷ vật vào ngày phong tướng là dịp để bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn của đồng bào và chiến sĩ cả nước với đại tướng Tổng tư lệnh.

Chiếc khăn đỏ phủ bên trên được mở ra. Đại tướng cầm thanh đoản kiếm giơ lên cao xem xét. Tay phải cầm đốc kiếm, tay trái đại tướng vuốt dọc theo sóng kiếm. Đại tướng lấy tay xoa và gõ nhẹ lên mặt trống đồng.

Ở tuổi 97 (đại tướng sinh ngày 25/8/1911), việc đi lại của đại tướng cần người trợ giúp, nhưng ông vẫn mình mẫn lạ thường.

Đại tướng ra hiệu cho mọi người im lặng. Tiếng nói của đại tướng vang, ấm, rõ ràng: “Hôm nay các đồng chí đến thăm, chúc sức khỏe và mừng tôi nhân dịp 60 năm được phong quân hàm đại tướng, tôi xin có lời cảm ơn.

60 năm đã trôi qua, đất nước chúng ta đã có nhiều thay đổi theo mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tất cả công lao này thuộc về đồng bào và chiến sĩ cả nước. Tôi mong các thế hệ từ nay hãy kế tục xứng đáng truyền thống ấy, đi theo sự lãnh đạo của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng một nước Việt Nam giàu, mạnh, đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu.”

Ngừng lời một chút, đại tướng nói tiếp: “Tôi chúc sức khỏe các đồng chí và nhờ các đồng chí chuyển lời hỏi thăm của tôi tới gia đình, đặc biệt là các đồng chí thương binh, cựu chiến binh”. Đại tướng nhắc lại một lần nữa thay cho lời chào: “Tất cả công lao này thuộc về đồng bào và chiến sĩ ta!”.

Trong tiếng vỗ tay rào rào, có tiếng hô của một cựu chiến binh: “Xin đại tướng hãy dùng thanh kiếm này để trừng trị tham nhũng!”

Buổi gặp diễn ra ngắn gọn. Trời nóng, khuôn mặt ai cũng lấm tấm mồ hôi. Nhưng tất cả đều nán lại dõi theo từng bước đi của đại tướng cho đến khi khuất hẳn.

Lịch sử luôn công bằng.

Kiến trúc sư Trần Hiếu Lễ, người đoạt giải thưởng sáng tạo Khoa học và công nghệ Việt Nam VIFOTECH 2006 đã thay mặt cho những người làm khoa học tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chủ tịch danh dự của VIFOTECH - bức tượng bán thân bằng thạch cao.

Kể chuyện dâng kiếm và trống đồng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ảnh 2

Anh đã miệt mài sáng tạo trong hơn một năm trời nghiên cứu và tiếp cận đại tướng.

Trước đó nhiều phiên bản đã được phác thảo để lấy ý kiến các tướng lĩnh, gia đình và những người gần gũi đại tướng.

Bức tượng cao 85 cm, bề ngang dài 88 cm, thể hiện chân dung đại tướng ở tuổi 70, nhưng về thần thái là hình ảnh của đại tướng qua tất cả các thời kỳ.

Một số người đánh giá, đây được coi là bức tượng thành công nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tính đến thời điểm này.

MỚI - NÓNG