Thủ tướng Naftali Bennett, người phát động chiến dịch, cho biết Tổng thống Isaac Herzog sẽ là người đầu tiên được tiêm nhắc lại vào thứ Sáu.
Theo ông Bennett, chính phủ tin rằng nỗ lực tăng cường tiêm chủng sẽ giúp Israel tránh được các đợt phong toả gây thiệt hại về kinh tế.
Israel là quốc gia đi đầu thế giới trong việc triển khai tiêm chủng. Nhiều người cao tuổi đã được tiêm phòng hồi tháng 12/2020 và tháng 1-2/2021 vì đây được coi là nhóm dân số dễ bị tổn thương.
Nhưng kể từ khi xuất hiện biến thể Delta, Bộ Y tế Israel đã hai lần thông báo về sự sụt giảm nhẹ hiệu quả của vắc xin trong việc phòng chống nhiễm bệnh và chống lại nguy cơ mắc bệnh nặng.
“Các nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm theo thời gian. Mục đích của việc tiêm liều bổ sung là để khả năng miễn dịch tăng trở lại, từ đó giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh và nguy cơ mắc bệnh nặng”, Thủ tướng Bennett nói trong một cuộc họp báo.
“Tôi kêu gọi tất cả những người cao tuổi đã tiêm đủ hai mũi, hãy tiếp tục đi tiêm mũi thứ ba. Ngay sau khi kết thúc bài phát biểu này, tôi sẽ gọi cho mẹ - người thân yêu nhất của tôi để tôi có thể đưa bà đi tiêm phòng ngay lập tức.”
Theo ông Bennett, một hội đồng gồm các chuyên gia tiêm chủng đã phê duyệt chiến dịch tiêm nhắc lại vào cuối ngày thứ Tư. Đối tượng tiêm mũi thứ ba là những người đã tiêm liều thứ hai của vắc xin Pfizer trước đó ít nhất năm tháng.
Nhân viên y tế Israel chuẩn bị tiêm vắc xin. Ảnh: Reuters |
Đến thời điểm hiện tại, khoảng 57% dân số 9,3 triệu người của Israel đã được tiêm chủng. Nhưng số ca mắc mới hàng ngày ở quốc gia này đã tăng vọt trở lại lên khoảng 1.500 đến 2.000 ca/ngày.
Pfizer hôm thứ Tư cho biết công ty tin rằng mọi người cần tiêm liều bổ sung để duy trì khả năng chống lại COVID-19 ở mức cao. Pfizer cũng tuyên bố có thể sẽ nộp đơn xin cấp phép khẩn cấp cho việc tiêm mũi thứ ba ở Mỹ vào tháng Tám.