IS bán nô lệ với giá... 10 điếu thuốc lá

Bà Kimy Hassan Sayfo, người có cả con gái và cháu gái bị IS giam giữ, cầu mong cuộc sống địa ngục này mau chấm dứt. Ảnh: NBC News
Bà Kimy Hassan Sayfo, người có cả con gái và cháu gái bị IS giam giữ, cầu mong cuộc sống địa ngục này mau chấm dứt. Ảnh: NBC News
Trong căn lều nhỏ, bà Kimy Hassan Sayfo ngửa mặt lên trời và chắp tay cầu nguyện: "Tôi cầu mong địa ngục này mau chấm dứt". Hai người con gái của bà từng bị IS bắt giữ và may mắn trốn thoát, nhưng các cháu gái vẫn nằm trong tay những kẻ cực đoan.

Câu chuyện về gia đình người phụ nữ 64 tuổi gợi nhắc hàng loạt bi kịch tương tự trong cộng đồng người Yazidi ở Iraq. Hơn 3.000 phụ nữ và bé gái bị bắt giữ khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công các ngôi làng của người Yazidi ở vùng Sinjar, tây bắc Iraq hồi tháng 8 năm ngoái. Theo ban quản lý người Yazidi thuộc chính quyền vùng Kurdistan, gần nửa triệu người đã phải rời bỏ quê hương đến nơi khác.

NBC News dẫn thông tin từ giới chức địa phương cho biết hiện có khoảng 2.000 phụ nữ và bé gái vẫn đang bị mua bán như những món hàng tại khu vực do IS kiểm soát. Các bé gái trở thành nô lệ tình dục, trong khi phụ nữ lớn tuổi hơn bị đánh đập và đối xử như đầy tớ trong nhà.

Aveen, người may mắn trốn thoát, kể rằng khi ngôi làng của cô bị vây hãm, phiến quân nhốt nam giới tách biệt với phụ nữ và trẻ em. Chúng giam phụ nữ và các bé gái trong một trường học và hãm hiếp vào ban đêm.

"Chúng bắt cả những bé gái 7 tuổi, 9 tuổi và 10 tuổi". Aveen kể. Cô gái 23 tuổi trốn thoát sau gần một năm thường xuyên bị đánh đập, hãm hiếp.

Các thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng thậm chí còn ban hành nhiều văn bản nhằm hợp pháp hóa hình thức chiếm hữu người Yazidi làm nô lệ như chiến lợi phẩm trong chiến tranh.

IS bán nô lệ với giá... 10 điếu thuốc lá ảnh 1

Aveen trốn thoát sau một năm nằm trong tay IS. Ảnh: NBC News

"Mỗi khi có một người trốn được, chúng ta lại biết IS ngược đãi phụ nữ Yazidi như thế nào", Khider Domle, người từng phỏng vấn hàng chục phụ nữ và bé gái bỏ trốn khỏi vòng vây của IS, cho hay. Phụ nữ, đặc biệt là những người bị đưa đến thành trì của IS ở Syria, thường bị bán hoặc trao đổi 3-4 lần khi phiến quân di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau và để họ ở lại.

"Một số người bị bán để đổi lấy vũ khí, hoặc trở thành món hàng với giá chỉ 10 USD hay 10 điếu thuốc lá", Domle nói. Nhiều kẻ cực đoan còn gửi ảnh của họ cho gia đình hòng đòi tiền chuộc, hoặc đơn giản để chế giễu.

Jeelan cùng con gái 9 tuổi may mắn thoát khỏi tay IS hồi tháng 8 năm nay, nhưng cô con gái 11 tuổi vẫn nằm trong tay chúng.

"Con gái tôi rất xinh. Bọn chúng đòi 25.000-35.000 USD tiền chuộc để đổi lấy tự do cho nó", Jeelan đau buồn nói.

Có một số trường hợp khá hiếm chính quyền Kurdistan sẽ trả tiền chuộc. Nhưng đa số phụ nữ Yazidi chỉ có thể chờ đợi sự giúp đỡ từ một số nhà hoạt động nhân đạo bí mật, lính gác, hoặc vợ của những kẻ cực đoan. Aveen trốn thoát nhờ sự hỗ trợ của vợ một phiến quân. Trước khi tự do, cô đã bị bán cho 6 nhà khác nhau trong khu vực kiểm soát của IS.

Hơn 1.000 phụ nữ và bé gái người Yazidi đã thoát khỏi hang ổ của IS, nhưng cuộc chiến này chưa thể kết thúc một khi chúng quay trở lại. Bắt đầu lại cuộc sống bình thường, họ phải đối mặt với nhiều tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong khi đó, chính quyền khu vực chỉ có thể hỗ trợ một số dịch vụ chăm sóc y tế và điều trị tâm lý cơ bản.

IS bán nô lệ với giá... 10 điếu thuốc lá ảnh 2

Reem, người đã trốn thoát IS, và chồng. Ảnh: NBC News

Chuyên gia tâm lý Shahla Hesein cho biết thuyết phục phụ nữ đến khám và điều trị lần đầu tiên không hề dễ dàng, do họ ngại chia sẻ quá khứ tăm tối, ngay cả với người thân.

"Họ không muốn kể với gia đình. Họ cảm thấy xấu hổ", cô nói.

Trong văn hóa bảo thủ của người Yazidi, nạn nhân hiếp dâm thường bị kỳ thị và xa lánh, dù cơ quan chính quyền cao nhất hồi năm ngoái đã ban hành quy định yêu cầu các gia đình và cộng đồng dang rộng vòng tay chào đón họ.

Sau khi trốn thoát hồi mùa hè, Reem, 16 tuổi, về sống cùng mẹ và anh chị em tại trại tị nạn ở Duhok. Tại đây, cô đã gặp Barzan, một thợ xây 22 tuổi. Họ yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hai ngày sau, họ làm đám cưới.

Reem cho hay bây giờ cô đã có Barzan bảo vệ mình. Cả hai người đều không dám tiết lộ tên thật vì sợ gây nguy hiểm cho các thành viên gia đình vẫn còn nằm trong tay IS.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.