![]() |
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei. (Ảnh: Reuters) |
Hãng tin Reuters dẫn lời các chính trị gia Iran cho biết, việc không đạt được thỏa thuận với Mỹ để chấm dứt cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ có thể gây tổn hại sâu sắc đến Tehran, ngay cả khi Washington bị Tehran coi là bên có tội.
Sau các cuộc đàm phán “tích cực” cuối tuần trước giữa Tehran và Washington tại Oman, hai bên đã nhất trí sẽ tổ chức thêm các cuộc đàm phán vào ngày 19/4 tới.
Theo đó, kỳ vọng của người Iran về việc nới lỏng các rào cản kinh tế cũng tăng vọt.
Đồng rial của Iran đã tăng giá khoảng 20% so với đô la Mỹ trong vài ngày qua, khi nhiều người Iran tin rằng một thỏa thuận chấm dứt tình trạng cô lập kinh tế của nước này có thể nằm trong tầm tay.
"Chúng tôi không quá lạc quan hay bi quan về các cuộc đàm phán. Suy cho cùng, đây là một quá trình đã được quyết định và những bước đầu tiên đã diễn ra thuận lợi", ông Khamenei phát biểu trong một cuộc họp với các nghị sĩ Iran, theo phương tiện truyền thông nhà nước.
Tehran đã tiếp cận các cuộc đàm phán một cách thận trọng, tỏ ra nghi ngờ khả năng đạt được thỏa thuận và nghi ngờ ông Trump. Tổng thống Mỹ đã từ bỏ hiệp ước hạt nhân với Tehran và nhiều cường quốc khác trong nhiệm kỳ đầu tiên hồi năm 2018, và nhiều lần đe dọa sẽ ném bom Iran nếu không có thỏa thuận.
"Từ nay trở đi, các cuộc đàm phán phải được thực hiện một cách cẩn thận, với các lằn ranh đỏ được xác định rõ ràng cho cả hai bên. Các cuộc đàm phán có thể dẫn đến kết quả hoặc không", ông Khamenei nói. "Không nên suy đoán về số phận của đất nước dựa trên các cuộc đàm phán này".
Quan hệ giữa Tehran và Washington đã sụp đổ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 của Iran.
Nhưng việc Mỹ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi ông Trump rút Washington khỏi hiệp ước hạt nhân đã phần nào khiến ông Khamenei ủng hộ các cuộc đàm phán với Nhà Trắng
Mỹ, Israel và các cường quốc phương Tây cáo buộc Tehran tìm kiếm vũ khí hạt nhân, nhưng Iran nói rằng chương trình của họ chỉ nhằm mục đích dân sự.