Việt Nam có số người dùng Internet thuộc hàng cao nhất châu Á
Từ con số 0 của những năm đầu thập niên 90, Việt Nam đến nay đã thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, internet hiện đại phủ rộng trên khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo. Theo số liệu thống kê, đầu năm 2017, Việt Nam có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình 46,6% của thế giới, nằm trong tốp những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất tại châu Á.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của BKAV, cho rằng, sự bùng nổ của mạng xã hội tại Việt Nam thời gian qua mang lại nhiều thay đổi lớn. Đó cũng đang là xu hướng phát triển của cả thế giới. Cùng với đó, smartphone trở thành phương tiện dần thay chỗ cho máy tính, làm thay đổi cách con người giao tiếp với nhau. Sự thay đổi này cũng tác động trực tiếp đến cách vận hành của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam cũng vậy. Nhờ sự phát triển nhanh của mạng xã hội và smartphone, mọi người đều có thể lên tiếng, cùng với đó các cơ quan quản lý sẽ phải cởi mở hơn trong phương thức điều hành của chính mình.
Sau 20 năm Internet vào Việt Nam, đất nước vẫn chưa có những công ty lớn trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở rất gần. Theo ông Nguyễn Tử Quảng, sở dĩ Việt Nam chưa có những công ty lớn vì là nước đang phát triển, điều kiện còn khó khăn. Tuy nhiên, dù điều kiện khó khăn hơn nhưng không phải là không có cơ hội. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tổ chức bài bản và thậm chí nỗ lực nhiều hơn, bởi do điều kiện mình không phải là người khởi xướng. “Mình có thể là người bám đuổi, thay thế và vượt lên bằng cách tổ chức bài bản. Nếu không có được điều này thì không thể nắm bắt được những cơ hội để cạnh tranh ngang ngửa với những doanh nghiệp lớn trên thế giới”, ông Tử Quảng nhận định.
Cơ hội cho người trẻ
Chia sẻ về cơ hội khởi nghiệp đối với những người trẻ trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Tử Quảng nói rằng, ông có cảm giác những người khởi nghiệp vẫn thiếu sự kiên trì. Một số người khởi nghiệp hay bị phụ thuộc, trông chờ có ai đó giúp mình, đặc biệt là sự giúp đỡ từ nước ngoài. Đấy là sự tự ti, tưởng không hại gì nhưng lại ảnh hưởng đến sự thành bại của dự án. Hoặc một vài dự án lại đặt ra mục tiêu ngắn hạn là để kiếm sống, kiếm được lợi nhuận, như thế rất khó để phát triển bền vững.
“Hãy làm bằng chính niềm đam mê của mình để đưa đến cộng đồng những sản phẩm hữu ích, như thế những thứ tốt đẹp khác sẽ đến với mình”– ông Quảng nói.
Ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, nói: “Theo thống kê của facebook, Việt Nam có trên 20 triệu phú là những người trẻ tuổi. Điều đó có thể thấy, các bạn trẻ nắm bắt được cơ hội rất nhanh. Họ nhanh nhạy hơn những người lớn tuổi. Thời gian tới, internet là công cụ không thể thiếu để cho người trẻ khởi nghiệp. Trước đây, để mở một công ty khó khăn hơn bây giờ. Hiện nay, để mở một công ty, nhất là công ty về công nghệ thì chưa bao giờ dễ thế, không cần văn phòng, không cần gì cả”.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nói rằng, Chính phủ, Bộ TT&TT đang nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghiệp nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trên Internet, song hành cùng sự phát triển của các lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo, trò chơi điện tử, thương mại điện tử, thanh toán điện tử. Vì vậy, cùng với thành tựu của các doanh nghiệp hạ tầng Internet như Viettel, VNPT, FPT, CMC, NetNam, chúng ta cũng đã có nhiều doanh nghiệp nội dung số lớn như VTC, VNG, VCCorp.
Các doanh nghiệp này không chỉ có được chỗ đứng vững vàng trong nước mà đã vươn ra thị trường khu vực và quốc tế. Nhiều sản phẩm ứng dụng trên Internet do doanh nghiệp, cá nhân trong nước phát triển đã tạo được tiếng vang ở tầm quốc tế như trò chơi Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, hay ứng dụng học trực tuyến Monkey Junior - Giải nhất Cuộc thi Sáng kiến toàn cầu 2016.
Tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nội dung và dịch vụ giá trị gia tăng trên nền Internet đang phát triển rất mạnh mẽ, nhiều công nghệ còn rất mới trên thế giới như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo, mã QR… cũng đã được các doanh nghiệp trong nước phát triển thành sản phẩm hoàn thiện, có khả năng thương mại hóa cao.
Thế giới hiện nay đã bước đến giai đoạn mà không một lĩnh vực, một ngành nghề nào có thể tách rời khỏi CNTT và Internet. Đặc biệt, khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế số, ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0 thì tất cả các ngành nghề, lĩnh vực đều phải tiến tới kết nối số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi không ngừng theo sự phát triển của công nghệ, nếu không muốn bị tụt lại phía sau.
Để có thể làm được điều này, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông - Internet, nội dung số và ứng dụng giá trị gia tăng trong nước một cách bền vững, thậm chí là đủ lớn mạnh để tiếp tục tiến bước ra thế giới. Trong thời gian tới, cần triển khai sớm nhiều quyết sách và giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tự tin bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam với nền tảng hạ tầng viễn thông-CNTT và nguồn nhân lực dồi dào trong lĩnh vực thông tin truyền thông như hiện nay thì hoàn toàn có thể đáp ứng được những kỳ vọng này.