Hy hữu vụ thay thẩm phán phiên tòa phúc thẩm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo nguồn tin của Tiền Phong, TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa quyết định thay đổi thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính công dân khởi kiện UBND huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) liên quan việc thu hồi đất để doanh nghiệp xây nhà máy thủy điện Chiêm Hóa.

Đây được xem là sự việc khá hy hữu đối với thực tế hoạt động xét xử, nhất là khi quyết định đúng đắn này của TAND Cấp cao ra đời trong thời điểm phiên tòa phúc thẩm đã được mở.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Tuân ở thôn Đầm Hồng, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) - người khởi kiện hành chính có đơn khiếu nại gửi TAND Cấp cao và báo Tiền Phong cho rằng thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm có dấu hiệu không vô tư trong giải quyết vụ án. Về phần mình, báo Tiền Phong sau khi nhận được văn bản của ông Tuân đã kịp thời chuyển đơn tới TAND Cấp cao tại Hà Nội và Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Hy hữu vụ thay thẩm phán phiên tòa phúc thẩm ảnh 1

Căn nhà gia đình ông Tuân được dựng lên từ tiền đền bù nhưng gần như bị bỏ hoang, do mọi thành viên phải phiêu dạt kiếm sống vì không còn đất sản xuất

Theo hồ sơ vụ án, 14 năm trước, vào ngày 5/10/2009, UBND huyện Chiêm Hoá ban hành Quyết định 824 thu hồi đất để xây dựng nhà máy thuỷ điện Chiêm Hoá. Ngày 6/10/2009, UBND huyện Chiêm Hoá ban hành Quyết định số 2340, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đất cho các hộ gia đình bị thu hồi. Gia đình ông Tuân bị thu hồi gần 22.000 m2 đất (gồm đất ở, đất trồng cây hàng năm, đất thuỷ sản…), tức là gần như toàn bộ diện tích đất đai gia đình đang có. Ông Tuân cho biết, cũng từ đây, gia đình ông bắt đầu một giai đoạn cực kỳ khó khăn, tha phương ly tán. Cả gia đình 11 nhân khẩu (gồm cha và 6 anh chị em cùng các cháu) không còn đất sản xuất, công ăn việc làm không có. Mẹ ông thì mất sớm. Do không còn đất sản xuất, phần đất thu hồi lại bị hụt so với diện tích thực tế nên mức tiền đền bù nhận được không đủ để cả gia đình duy trì cuộc sống. Chị và em gái ông phải phiêu dạt sang Trung Quốc kiếm sống. Cha ông sau ít năm cũng mất vì bệnh tật, chỉ còn lại mấy anh em gồng gánh nuôi nhau .

Tháng 1/2022, tại phiên tòa sơ thẩm, ông Tuân đề nghị tuyên hủy một phần quyết định thu hồi đất số 824 của UBND huyện Chiêm Hóa và một phần quyết định 2340 của Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa phê duyệt phương án bồi thường thu hồi đất nêu trên.

Hy hữu vụ thay thẩm phán phiên tòa phúc thẩm ảnh 2

Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa được đầu tư xây dựng bởi một doanh nghiệp

HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Tuyên Quang nhận định, UBND huyện Chiêm Hoá khi thực hiện việc thu hồi đất đã không có văn bản xác định nguồn gốc đất, tổng số diện tích đất hộ ông Tuân đang sử dụng. Quá trình tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, kê khai đất và tài sản trên đất bị thu hồi; kiểm kê đất, tài sản trên đất thu hồi với hộ ông Tuân thực hiện chưa bảo đảm, không có chữ ký của chủ sử dụng đất; diện tích đất trong bản tự kê khai và trong biên bản kiểm kê không trùng khớp nhưng không được làm rõ. Do vậy, HĐXX chấp thuận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Tuân, tuyên huỷ một phần Quyết định 824 và Quyết định 2340 của UBND huyện Chiêm Hoá đối với phần diện tích đất đã bị thu hồi và phần bồi thường của gia đình ông Tuân.

Đến giai đoạn phúc thẩm, sau gần 6 tháng kể từ khi thẩm phán chủ tọa phiên tòa phúc thẩm ấn định ngày xét xử, ngày 7/3/2023 phiên toà được mở nhưng lại bị tạm dừng. Ông Tuân đã có đơn khiếu nại, cho rằng thẩm phán vi phạm về thời hạn mở phiên tòa; có nhiều dấu hiệu không vô tư khách quan trong giải quyết vụ án và đề nghị được thay đổi thẩm phán này.

Đến ngày 10/4/2023, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định thay đổi thẩm phán chủ toạ phiên toà trên, “để đảm bảo việc tiến hành giải quyết, xem xét vụ án đúng theo quy định pháp luật”.

MỚI - NÓNG