Vụ chuyển chợ Hải Hà, Quảng Ninh:

Huyện quyết chuyển đến chợ mới

Khu chợ mới Quảng Trung đang khẩn trương xây dựng để hoàn thành các hạng mục chính trong đêm 14/1 (ảnh to). Đa số tiểu thương không muốn sang chợ mới vì cho rằng các ô quầy quá nhỏ, tối đa chỉ có 3,6m2 (ảnh nhỏ)
Khu chợ mới Quảng Trung đang khẩn trương xây dựng để hoàn thành các hạng mục chính trong đêm 14/1 (ảnh to). Đa số tiểu thương không muốn sang chợ mới vì cho rằng các ô quầy quá nhỏ, tối đa chỉ có 3,6m2 (ảnh nhỏ)
TP - “Sau khi vận động tiểu thương về chợ mới tại xã Quảng Trung, chúng tôi sẽ sử dụng biện pháp cưỡng chế những tiểu thương không thực hiện di dời”, ông Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà (Quảng Ninh), thông báo sáng 14/1 tại buổi họp báo về việc di chuyển tiểu thương khỏi chợ trung tâm Hải Hà, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà. 

Bốc thăm thay tiểu thương


Ông Cường cho biết, căn cứ vào quy hoạch và quyết định thu hồi đất của tỉnh Quảng Ninh, ngày 31/12/2014, UBND huyện Hải Hà đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của chợ trung tâm Hải Hà từ 15/1 để dành đất xây dựng dự án quảng trường công viên cây xanh phục vụ việc nâng cấp đô thị Hải Hà trong tương lai. 

Theo đó, các tiểu thương sẽ được di chuyển sang chợ mới tại xã Quảng Trung, cách trung tâm huyện không xa. Chợ Quảng Trung tổng diện tích 2,3 ha, trước mắt tỉnh đầu tư 52 tỷ đồng thực hiện giai đoạn 1 với hơn 400 quầy hàng diện tích hơn 2.600m2 cho 366 hộ tiểu thương. Các hạng mục chính của chợ như quầy, đường giao thông, điện, nước sẽ được hoàn tất trong đêm qua 14/1 để đảm bảo cho chợ hoạt động được, vỉa hè, cây xanh sẽ làm sau. 

Từ 12/1, UBND huyện Hải Hà tiếp tục ra quyết định triển khai việc chấm dứt hoạt động chợ Hải Hà. Cụ thể, các tiểu thương đang kinh doanh phải chuyển hết hàng hóa ra khỏi chợ trung tâm Hải Hà cũ trong 7 ngày từ 15 đến 22/1. Tiểu thương tự nguyện di dời được miễn phí kinh doanh trong 3 năm, được hỗ trợ 5 triệu đồng di chuyển…

Tuy nhiên, chủ trương di dời chợ không được các tiểu thương chợ trung tâm Hải Hà ủng hộ. Cụ thể, hôm 10/1, huyện tổ chức bốc thăm điểm kinh doanh tại chợ mới Quảng Trung, trong số hơn 366 tiểu thương chưa đồng thuận, chỉ có 4 tiểu thương đến nhưng không bốc thăm. Huyện Hải Hà đã chỉ đạo các xã, thị trấn có tiểu thương cư trú bốc thăm thay cho tất cả tiểu thương rồi công bố kết quả đó cho các hộ kinh doanh biết. “Chúng tôi tổ chức bốc thăm thay tiểu thương để đảm bảo giữ lốt cho bà con chứ không phải để ép họ”-ông Cường nói.

Quyết bám chợ cũ

Nhiều tiểu thương cho biết họ không đồng thuận di chuyển chợ mới ở xã vì cho rằng chợ trung tâm phải nằm ở trung tâm là thị trấn của huyện. Theo tiểu thương, do chợ Hải Hà là chợ hạng 1 nên khi di chuyển cần lấy ý kiến đồng thuận của các tiểu thương. Trước đó, tháng 6/2014, huyện đã ép tiểu thương về chợ Trung tâm thương mại của Công ty Đức Dương nhưng sau đó phải dừng vì vấp phải sự phản ứng của đa số tiểu thương. UBND tỉnh có chủ trương xây dựng chợ mới Quảng Trung cũng không thực hiện việc lấy ý kiến đồng thuận của tiểu thương.

Các tiểu thương không chấp nhận việc chính quyền, mặt trận tổ quốc thị trấn Quảng Hà và các xã đứng ra bốc thăm điểm kinh doanh tại chợ mới Quảng Trung cho tiểu thương vì cho rằng các cơ quan này không thể quyết định thay việc kinh doanh của người dân. 

Thực tế chợ trung tâm xây dựng ở xã đã không phù hợp, mà các quầy hàng quá nhỏ hẹp thì họ không thể kinh doanh nổi. Cụ thể, mỗi ô quầy ở đây chỉ có diện tích 3,6m2 thì không bày được hàng bán. UBND huyện Hải Hà thừa nhận các ô quầy diện tích rất hạn hẹp so với chợ cũ nên đề nghị tiểu thương khắc phục bằng cách chỉ bày một ít hàng ở quầy ngoài chợ, còn lại có thể chuyển về nhà để. Tiểu thương cho rằng nếu vậy thì không bán được nên đa số vẫn quyết bám chợ cũ.

Cưỡng chế 

UBND huyện Hải Hà cho biết những hộ tiểu thương không tự nguyện di dời sang chợ mới, huyện sẽ thực hiện biện pháp cưỡng chế. Cụ thể, bắt đầu từ 15 đến 22/1 sẽ thực hiện di dời các quầy hàng trong chợ cũ.
Chủ tịch UBND huyện Hải Hà Nguyễn Mạnh Cường cho biết từ 23 đến 31/1, các hộ tiểu thương không chấp hành việc di dời hàng hóa ra khỏi chợ, huyện sẽ ra quyết định và thực hiện cưỡng chế để thu hồi đất. Theo đó, huyện Hải Hà xác định hiện nay đa số tiểu thương còn lừng chừng không muốn chuyển chợ trước thời điểm chính quyền tổ chức cưỡng chế. Trong số này, có hơn 40 tiểu thương quyết tâm bám trụ tại chợ cũ. 

“Không ai mong muốn cưỡng chế nhưng bắt buộc phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi sẽ thực hiện theo trình tự, không nóng vội”-ông Cường nói.

Tháng 6/2014, khi huyện Hải Hà yêu cầu tiểu thương chuyển sang chợ Trung tâm của Công ty Đức Dương đã vấp phải sự phản đối của đa số tiểu thương. Sau nhiều lần tập trung phản đối, có 7 nữ tiểu thương đã bị bắt vì tội gây rối trật tự công cộng tại trụ sở UBND huyện Hải Hà. 

MỚI - NÓNG