Tại các tuyến đường như Hùng Vương (quận 5), Trần Quang Khải, Phó Đức Chính (quận 1), quốc lộ 50... có những phiên chợ đồ ăn cắp bày bán la liệt những loại hàng hóa nguồn gốc bất chính. Các tay mua bán tại chợ này là đầu mối tiêu thụ những món hàng được bọn trộm cắp, cướp giật mang về.
Công khai mua bán, chào mời
“Mua đồng hồ ghé lựa đi anh, em có mấy cái, hàng xài rồi nhưng còn ngon lắm”, “Mua quẹt hả? Zippo hàng xịn nè”... Chỉ cần đảo qua một vòng là thấy được cảnh nhộn nhịp của phiên chợ đồ trộm cắp trên đường Hùng Vương (quận 5).
Tại đây, chợ trời diễn ra nhộn nhịp từ sáng đến chiều tối. Hàng hóa được bày bán tràn lan trên lề đường, đủ các loại từ cục sạc điện thoại mới tinh, chiếc đồng hồ hàng hiệu giá trị thật có khi lên đến vài triệu đồng.
Tiếp cận “cửa hàng” do một cô gái khá trẻ tên T. đứng bán, anh S. ngồi lựa một chiếc đồng hồ để thay thế cho cái cũ vừa bị hỏng, bể mặt kính. Cô gái trẻ vừa chào hàng vừa nói nhỏ: “Em có mấy cái hàng xài rồi, bảo đảm đồ xịn 100%, mặt kính sapphire chống trầy không bể như cái anh đang đeo đâu”.
Thấy anh S. còn ái ngại, cô gái đưa tay vào giỏ xách móc ra bốn chiếc đồng hồ hiệu Casio mới tinh nói: “Hàng này em thu của tụi "nhảy' đồ, dọn phòng khách sạn. Anh nhìn kỹ đi, đồ xịn đó, dây dài vầy là do của Tây đeo, hiếm lắm mới về”.
Sau một lúc chào mời, T. thật lòng nói: “Đồng hồ giá 500.000 đồng, mới 100% em cũng có, nhưng anh mua xài không bền đâu. Thấy anh thích em mới giới thiệu thật, cái này (chiếc đồng hồ trộm cắp) giá ngoài cửa hàng cũng khoảng 4 triệu, em thu của người ta rẻ nên bán anh 800.000 đồng thôi, nhưng bao anh xài luôn”.
Hoành tráng không kém đường Hùng Vương là chợ đồ cũ ở đường Phó Đức Chính. Khoảng 14h, chợ bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều thành phần đến mua và bán đồ tại đây, hầu hết là người lao động nghèo đến tìm hàng hiệu giá rẻ.
Anh H., một người thường xuyên mua hàng tại đây cho biết: “Nếu biết nhìn hàng bằng cách nhanh tay, lẹ mắt, rất dễ tìm thấy hàng hiệu trong đống hỗn độn này”. Nói rồi, anh H. chìa tay khoe chúng tôi một cặp kính mát hiệu Rayban màu vàng còn khá mới anh vừa mua được với giá chỉ 500.000 đồng.
Ngoài đồng hồ, mắt kính, phiên chợ hàng sang ngay trung tâm quận 1 các loại giày bày bán la liệt. Nhiều dân sành sỏi cho rằng những loại giày trên chỉ mới chứ không xịn, người mua là những dân nghiệp dư và thích giày đẹp.
Cảnh mua bán ì xèo ở chợ đồ "chôm".
Một đầu nậu chuyên giày Dr.Martens giới thiệu cho chúng tôi một đôi mà theo ông này là mẫu mới ra năm 2014, giá cửa hàng hơn 4 triệu đồng. “Bao chú em vào cửa hàng xem giá, hàng này của anh là đôi duy nhất, còn tem mạc luôn nhưng anh cắt để tránh rắc rối chứ còn mới 100%, để lại cho em giá 1 chai 2”.
Dễ dàng thấy những khu chợ trời bày bán cả hàng tạp lẫn hàng trộm cắp như khu Vĩnh Viễn - Lý Thường Kiệt - Nhật Tảo (quận 10), Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) hay 3 Tháng 2 - Lê Đại Hành (quận 10 - quận 11).
Đầu mối tiêu thụ hàng gian
Từ khoảng 8h đến hơn 18h, các phiên chợ tấp nập người mua, kẻ bán. Những ngày cuối tuần, chợ ở khu vực Lý Thường Kiệt hay Hùng Vương nhộn nhịp hẳn, đôi khi làm kẹt cả một đoạn đường. Những cuộc giao dịch diễn ra chóng vánh, người bán chỉ cần chìa hàng ra, “chủ cửa hàng” xem qua một lượt rồi nhanh chóng định giá. Giao dịch sang tay nhanh đến mức chóng mặt, tiền tươi được chồng ra rồi đường ai nấy đi.
Đầu nậu thu gom hàng trên đường Lý Thường Kiệt thường trưng bày hàng trong chiếc cặp đen nhỏ gọn. Một đầu nậu tên T.H giải thích: “Anh bày ra ít hàng thôi, khi có “động” chỉ cần ôm cặp bỏ chạy. Muốn xem nhiều hàng hơn, sáng sớm chú cứ ra đây uống cà phê rồi gọi anh”.
Xung quanh khu vực Lý Thường Kiệt luôn có nhiều tai mắt để cảnh giác lực lượng chức năng. Đôi khi chỉ cần một tiếng hú hay huýt sáo, trong khoảng 1 phút, tất cả hàng hóa lẫn người bán đều biến mất.
Hàng hóa được bày bán tràn lan trên lề đường.
Dạo một vòng quanh khu vực này, chúng tôi ngỏ ý tìm mua 1 cái máy tính bảng hiệu iPad “còn sống” với giá mềm. T.H ngay lập tức lôi ra 1 chiếc: “Cái này có thằng thua đá gà túng tiền nhờ anh bán, giá 2,5 triệu đồng thôi vì bị bể màn hình nhưng mọi chức năng đều xài ngon lành”.
T.H cho biết sẵn sàng bao thay màn hình vì có mối làm bên cửa hàng điện tử. Chần chừ một hồi lâu, T.H tỉ tê: “Thật ra con này anh mới thu của một thằng “nhảy” hàng tối hôm qua, nó bị rượt quá nên làm rớt, bể màn hình chứ không phải đồ tào lao người ta bỏ đâu. Giờ chắc giá, bao chú thay luôn màn hình là 2 triệu, iPad 4 mà có wifi với 3G giá này là quá ngon rồi. Không mua mai anh bảo đảm với chú không còn đâu”.
Với những loại hàng có giá trị lớn hơn, đầu nậu không dại gì trưng ra bán. Khi khách có nhu cầu, chỉ cần một cú điện thoại, những chiếc laptop, điện thoại xịn sẽ được đem tới ngay lập tức từ kho hàng. Trừ khi là hàng hóa mới “sang tay”, còn lại, tất cả đều được tân trang lại trước khi bán, khó biết được chất lượng. Để có được nguồn hàng này, ngoài việc phải bỏ vốn đầu tư, đầu nậu còn là dân anh chị có tiếng nói, được giới trộm cắp tin tưởng giao hàng, không sợ bị phản.
Luật ngầm của giới buôn lẫn dân trộm cắp là chọn địa điểm khác hoặc quán cà phê để giao dịch sang tay. Còn khi mua - bán tại chỗ, cả hai bên đều phải giữ được cái đầu lạnh và nếu lỡ bị kiểm tra, cứ nói “đồ” của mình, túng tiền nên mang ra bán.
Khi đã sang tay, chồng tiền xong, dân trộm cắp và đầu nậu đường ai nấy đi, xem như không quen biết nhau, tuyệt nhiên không được khai nguồn hàng của mình là ai nếu không muốn “thất nghiệp” và bị “xử đẹp”.
Để có thể bán hàng được ở các khu chợ như Hùng Vương, Phó Đức Chính, Lý Thường Kiệt..., đầu nậu cũng phải chịu bảo kê, đóng tiền hụi chết mỗi ngày từ 50 - 100.000 đồng cho “quản lý”. Những người lạ muốn đến bán hàng đều phải có người quen giới thiệu, bị kiểm tra lai lịch kỹ lưỡng và đóng tiền chứ không thể ngang nhiên “mở cửa hàng”.