Huy động quân đội, công an chống dịch là cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, bác sĩ Học viện Quân y tăng cường vào TPHCM và các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19. Ảnh: Nguyễn Minh
Cán bộ, bác sĩ Học viện Quân y tăng cường vào TPHCM và các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19. Ảnh: Nguyễn Minh
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, việc huy động lực lượng công an, quân đội vào hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam lúc này là quyết định sáng suốt, đúng đắn và rất cần thiết.

Khẳng định lòng tin

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, theo ông, việc huy động lực lượng quân đội, công an vào hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam chống dịch có ý nghĩa như thế nào?

Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu, Bộ trưởng Quốc phòng và lãnh đạo Bộ Công an đều khẳng định sẵn sàng triển khai lực lượng, huy động quân đội, công an và các phương tiện cần thiết vào hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Huy động quân đội, công an chống dịch là cần thiết ảnh 1

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương

Theo tôi, quyết định huy động lực lượng quân đội, công an tham gia giải quyết những vấn đề nóng bỏng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở TPHCM và các tỉnh miền Nam thể hiện hai điều cơ bản. Trước tiên, đại dịch COVID-19 ở phía Nam, đặc biệt tại TPHCM và Bình Dương, có thể nói là hết sức nghiêm trọng. Chúng ta cần phải nói rõ về tình hình phức tạp và rất khó đoán định, thậm chí chưa biết dịch khi nào ở mức đỉnh cả.

“Quyết định huy động lực lượng quân đội, công an vào miền Nam, tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa thể hiện lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cũng là thực hiện theo những quy định trong Hiến pháp và Nghị quyết của Đảng”.

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Cương

Bên cạnh đó, việc huy động lực lượng hỗ trợ cho TPHCM cũng thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân với lực lượng quân đội, công an. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 3 nhiệm vụ: Kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên, trong đó lực lượng quân đội, công an đóng vai trò nòng cốt. Như vậy, quyết định huy động lực lượng quân đội, công an vào miền Nam, tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa thể hiện lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cũng là thực hiện theo những quy định trong Hiến pháp và Nghị quyết của Đảng.

Vậy bước tiếp theo cần phải làm gì để lực lượng công an, quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần sớm đầy lùi được đại dịch này, thưa ông?

Để lực lượng quân đội, công an hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, theo tôi có hai yếu tố quan trọng cần phải thực hiện cho thật tốt. Thứ nhất là sự tham gia vào cuộc của mọi người dân. Bởi yếu tố quyết định sự thành bại trong mỗi cuộc chiến chính là nhân dân. Lòng dân tạo ra sức mạnh của quân đội và công an. Cần phải khẳng định, việc huy động lực lượng công an, quân đội vào hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam là quyết định sáng suốt, đúng đắn và rất cần thiết.

Nhưng để lực lượng quân đội, công an hoàn thành tốt nhiệm vụ này, thì yêu cầu đặt ra cho các tầng lớp nhân dân là phải cùng tham gia “chống dịch như chống giặc”. Điều này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trong cuộc chiến chống đại dịch này, mỗi gia đình phải là một pháo đài, mỗi người dân phải là một chiến sĩ. Có như vậy lực lượng quân đội và công an mới phát huy được tối đa hiệu quả.

Điều thứ hai, nhà chức trách tại các địa phương đang là “điểm nóng” dịch bệnh ở phía Nam phải là những người trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu này. Để phát huy được vai trò và để công an, quân đội làm tốt nhiệm vụ của mình, thì cấp uỷ, chính quyền từ thôn xóm, xã phường, đến quận huyện, thành phố phải là những người chỉ huy quyết liệt với sự tham gia, ủng hộ của người dân.

Bên cạnh đó, theo tôi cũng cần phải xử lý nghiêm những cán bộ lơ là, vi phạm trong phòng chống dịch. Như vừa qua, việc kỷ luật một số cán bộ vi phạm được làm rất nghiêm, điều đó góp phần đảm bảo sự răn đe, cảnh tỉnh. Từ bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, rồi xuống cấp huyện, cấp xã, cho đến bộ trưởng, trưởng ngành, nếu không làm tròn nhiệm vụ, cần xem xét kỷ luật, thậm chí điều chuyển, cách chức ngay. Người tài thời nào cũng có nên đừng sợ không có người thay. Vì vậy cần phải làm quyết liệt, nếu kỷ luật hành chính không nghiêm, thì lực lượng quân đội, công an không phát huy được tác dụng.

Để người dân yên tâm “ai ở đâu thì ở yên đó”, theo ông, vấn đề nhu yếu phẩm, sinh hoạt hàng ngày cần phải được quan tâm như thế nào?

Nếu như trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, người dân xung phong ra trận thì trong cuộc chiến chống dịch này, người dân phải thực hiện nghiêm quy định “ai ở đâu thì ở yên đó”. Tất nhiên, để làm tốt điều này, cần đảm bảo nhu yếu phẩm thực sự cần thiết cho người dân. Như vừa qua, Chính phủ đã xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho TPHCM để phòng, chống dịch. Bên cạnh nguồn dự trữ quốc gia, lực lượng quân đội, công an cũng có dự trữ, nên theo tôi có thể huy động để giúp dân. Đảm bảo đời sống cho người dân cũng là tạo điều kiện cho lực lượng công an, quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chuẩn bị từng bữa ăn, cái mặc cho từng nhà, từng người là điều rất khó khăn, cũng thể hiện sự chia ngọt sẻ bùi, sự đồng cam, cộng khổ. Tất cả hướng về miền Nam, tất cả vì TPHCM, điều đó rất có ý nghĩa vào lúc này. Trong mọi hoàn cảnh, sức khoẻ và tính mạng của người dân luôn được đặt lên trên hết và trước hết. Cho nên, mỗi người dân cũng phải hiểu được quyết tâm chính trị, tính nhân đạo và nhân văn đó, để xây dựng lòng tin, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ khó khăn này.

Với sự đồng lòng quyết tâm như vậy, ông có tin chúng ta sẽ sớm giành chiến thắng trong trận đánh quyết định này?

Ai cũng muốn sớm giành chiến thắng, sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19 để cuộc sống trở lại trong điều kiện bình thường mới. Song chúng ta cũng phải thật bình tĩnh nhìn nhận một cách khách quan, khoa học. Trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm trước đây, chúng ta có khả năng nhận định rõ được thế và lực của đối phương, đưa ra chiến lược, sách lược đúng đắn, kịp thời. Nhưng trong cuộc chiến chống COVID-19 thì hoàn toàn khác. Đến bây giờ, thế giới cũng chưa xác định được đâu là đỉnh dịch và chúng ta cũng vậy.

Dù chưa thể xác định đây có phải là cuộc chiến cuối cùng không, nhưng chắc chắn đây là giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng, phải tập trung mọi nguồn lực, khoanh vùng, dập được những vùng dịch nghiêm trọng nhất, rồi tiếp tục mở rộng đến nơi khác. Vừa làm, chúng ta vừa nghe ngóng, thăm dò để đưa ra những quyết sách phù hợp nhất. Đồng thời cũng cần đề phòng, chuẩn bị cho những tình huống xấu hơn để đưa ra những kịch bản, phương án tối ưu nhất, hiệu quả nhất.

Cũng phải nói thêm rằng, cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 hiện nay có vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí truyền thông. Nhà báo cũng là một chiến sĩ, nên người làm báo phải vào cuộc quyết liệt hơn, bám sát mọi hoạt động, kịp thời thông tin cho mọi người dân biết về sự đồng lòng, quyết tâm trong cuộc chiến này.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.