Nguyễn Thọ, người bị tố giác là hung thủ giết bà Lê Thị Bông, ảnh chụp năm 1998
Ngày 12/11, Hội đồng giám đốc thẩm, TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện KSND Tối cao, tuyên hủy phần tội danh và hình phạt tại bản án hình sự sơ thẩm số 96 ngày 31/8/2000 của TAND tỉnh Bình Thuận về tội “giết người”, “cướp tài sản” đối với ông Huỳnh Văn Nén, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra lại.
Được phóng viên báo Tiền Phong báo tin qua điện thoại, cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ông Nén nói, cụ mới vui một nửa. Hành trình của cụ hơn 14 năm kêu oan cho con trai đã có kết quả quan trọng, nhưng cụ chưa vui với việc hồ sơ vụ án được giao về cấp sơ thẩm điều tra lại.
“Xưa ông Mít xử, nay ông Xoài xử, nhưng vẫn là ông Bình Thuận, họ có điều tra xét xử công minh, có dám nhận trước kia họ sai không?”, cụ Truyện nói. Cùng suy nghĩ với cụ Truyện, ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hàm Tân (Bình Thuận) cho rằng, cần chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra, để bảo đảm công minh, khách quan. Ông Thận dẫn lại “vụ án vườn điều” để minh chứng cho ý kiến của ông.
“Trong “vụ án vườn điều” ông Nén đã từng kêu oan trước tòa, nhưng sau đó trong trại giam lại phải khai nhận tội, dù thực sự bị oan. Lấy gì bảo đảm rằng chuyện sẽ không lặp lại, cơ quan điều tra cấp sơ thẩm sẽ làm việc thật sự công tâm, khi mà việc chứng minh ông Nén bị oan sẽ đồng nghĩa buộc tội họ đã làm sai?”.
Ông Thận
Đêm 18/5/1993, bà Dương Thị Mỹ ở thôn 2 (xã Tân Minh, nay là thị trấn Tân Minh, Hàm Tân) bị giết trong một vườn điều gần chợ Tân Minh. Công an Bình Thuận không tìm ra thủ phạm, nên tạm đình chỉ điều tra vụ án. Năm năm sau, đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông cũng ở thôn 2 bị xiết cổ chết. Ngày 17/5/1998, cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận bắt tạm giam ông Nén. Trong trại giam, ông Nén nhận tội giết bà Bông, rồi khai đã cùng gia đình bên vợ giết bà Mỹ. Từ lời khai này, ngày 2/12/1998 cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận phục hồi điều tra vụ bà Mỹ bị giết, khởi tố ông Nén và 9 người trong đại gia đình bên vợ ông ta. Vụ án đó, sau này nổi tiếng với tên gọi “vụ án vườn điều”.
Ngày 7/3/2001, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều", tuyên phạt tù giam từ 2 năm đến 10 năm về tội “giết người” đối với 5 bị cáo, trong đó ông Nén bị phạt 6 năm tù. Ngày 14/6/2001 và ngày 5/4/2002, Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều”.
Tại đây, ông Nén phản cung, nói rằng những lời ông nhận tội và khai báo về hành vi phạm tội của những người khác là do bị đánh, bị bức cung, thực tế ông không biết gì về vụ bà Mỹ bị giết. Tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên hủy bản án sơ thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều” để cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại. Sau đó trong trại giam ông Nén lại khai nhận tội với các cơ quan pháp luật tỉnh Bình Thuận.
Từ ngày 27/7/2004 đến ngày 6/8/2004, TAND tỉnh Bình Thuận xét xử sơ thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều”, tuyên án các bị cáo như bản án sơ thẩm (lần 1). Không những vậy, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận, VKSND tỉnh Bình Thuận và TAND tỉnh Bình Thuận còn ký chung một văn bản, đề nghị các cơ quan pháp luật Trung ương xử lý các luật sư đã bào chữa miễn phí cho các bị cáo “vụ án vườn điều”.
Mãi đến cuối năm 2005, sau khi Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc điều tra, “vụ án vườn điều” mới được khẳng định là vụ án oan. Theo ông, như Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nói, các cơ quan điều tra cần truy tìm ngay Nguyễn Thọ, người bị tố giác là hung thủ giết bà Lê Thị Bông.
Tuy nhiên, nếu chưa tìm ra Nguyễn Thọ, chưa xác định được thủ phạm giết bà Bông nhưng khi đã xác định được rằng không đủ cơ sở kết tội ông Nén, phải trả tự do cho ông Nén.
Luật sư Trần Vũ Hải, một trong ba luật sư bào chữa miễn phí cho các bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm (lần 2) và phiên tòa phúc thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều” cho biết, sẵn sàng bào chữa miễn phí cho ông Huỳnh Văn Nén trong giai đoạn tố tụng sắp tới.
Theo luật sư Trần Vũ Hải, ông Nén cần có luật sư ngay từ đầu giai đoạn điều tra, để đảm bảo có luật sư trong tất cả các cuộc hỏi cung ông Nén, cũng như trong các hoạt động tố tụng khác của giai đoạn điều tra.
“Cần phải như vậy, để tránh lặp lại chuyện luật sư do Tòa chỉ định không làm tròn trách nhiệm với bị cáo, như ở phiên tòa sơ thẩm vụ bà Bông năm 2000”. Luật sư Trần Vũ Hải nói. Tuy nhiên, ông tin rằng việc điều tra lại vụ án Huỳnh Văn Nén sẽ được tiến hành công minh, sớm kết thúc với việc đình chỉ điều tra, trả tự do cho ông Nén, không cần một phiên tòa nữa.