Khi được hỏi về việc anh Nguyễn Phúc Thành tố cáo ông Hùng đe dọa, buộc anh rút đơn tố cáo Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt là thủ phạm giết bà Lê Thị Bông, khi ông Hùng gặp anh Thành ở trại giam Sông Cái (Ninh Thuận). Ông Hùng nói rằng: Năm 2000 chỉ một lần ra trại giam Sông Cái cùng ông Đinh Kỳ Đáp (lúc đó là Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận) để làm việc với Thành. Chỉ yêu cầu Thành trình bày mình ghi lại thôi, làm sao có chuyện đe dọa, buộc rút đơn ở đấy?
Anh Thành tố cáo, Thọ và Việt đã giết bà Bông đêm 23/4/1998, rồi Thọ bán chỉ vàng cướp của bà Bông cho tiệm vàng Th.Ph. tại xã ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Ông có đến tiệm vàng đó xác minh không?
Cái đó là không, không xác minh. Khi thấy nó trình bày không có căn cứ thì thôi.
Người ta nói, anh Thành tố cáo rằng sự thật không như ông điều tra ra, ông đi xác minh nội dung tố cáo của anh Thành thì không khách quan?
Cái việc đó là do sự phân công của lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan điều tra.
VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm vụ Huỳnh Văn Nén, ông thấy vụ này có oan hay không?
Người ta thấy có những dấu hiệu mà chưa rõ ràng lắm thì kháng nghị, quá trình xác minh, điều tra có thể oan cũng có thể không oan. Còn tôi khẳng định là tôi không dùng nhục hình, bức cung để ép thằng Nén khai nhận tội. Lời khai đó do tự nguyện trình bày, không phải là đánh đập hay bức cung nhục hình gì đó như một số người viết, nhé. Thứ hai, lời khai của nó là trên cơ sở đấu tranh với nó, bằng cái việc nó tiêu thụ thời gian bất minh, không hợp lý, nó không giải trình về thời gian được, nên buộc phải tự khai ra việc đó.
Nhưng “vụ án vườn điều” đã được kết luận là án oan sai, thưa ông?
Cái “vụ án vườn điều” là do quan điểm, oan hay không là do quan điểm. Còn tôi với tư cách là người trực tiếp làm nên khẳng định chính xác, chứ không oan gì hết.
Khi “vụ án vườn điều” được TAND tỉnh Bình Thuận đưa ra xét xử sơ thẩm (lần 1) ngày 7/3/2001, ông Nén nhận tội tham gia giết bà Dương Thị Mỹ ở xã Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận) đêm 18/3/1993. Ngày 14/6/2001, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh đưa “vụ án vườn điều” ra xét xử phúc thẩm (lần 1), bị cáo Huỳnh Văn Nén là người đầu tiên được thẩm vấn. Ngay câu trả lời đầu tiên, ông Nén làm phòng xử án rộn lên tiếng vỗ tay khi nói, đêm bà Mỹ bị giết ông không ở xã Tân Minh mà đang làm thuê ở xã Xuân Hòa (Xuân Lộc, Đồng Nai), không biết gì về việc bà Mỹ bị giết. “Bị cáo không khai nhận tội thì bị điều tra viên Hùng đánh, có lần đánh ngất xỉu” - ông Nén khai tại Tòa.
Khi kiểm sát viên VKSND tỉnh Bình Thuận phúc cung, ông Nén đã kêu oan trong cả hai vụ án, nhưng kiểm sát viên bắt ông nhận tội. Do đó, tại phiên tòa sơ thẩm (lần 1) ông vẫn khai nhận tội và khai hành vi phạm tội của các bị cáo khác, sau đó không kháng án vì quá sợ bị đánh và vì không hy vọng được giải oan… Nghe ông Nén khai rằng ông ta không biết gì về vụ bà Mỹ bị giết, bị cáo Nguyễn Văn Châu, anh ruột vợ ông Nén ôm mặt khóc. Gia đình ông Châu đang êm ấm thì ngày 21/9/1998 vợ ông mất vì tai nạn giao thông. Ngày 16/12/1998, gần đến dịp cúng trăm ngày thì ông Châu bị bắt, do lời khai của ông Nén rằng ông Châu tham gia giết bà Mỹ. Ba đứa con nhỏ của ông Châu bơ vơ.
Sự phản cung của ông Nén khiến phiên tòa phúc thẩm (lần 1) “vụ án vườn điều” phải hoãn lại, sau đó Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Trong tù, ông Nén lại khai nhận tội. Tại phiên tòa sơ thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều” tháng 7/2004, ông Nén lại kêu oan. Đến phiên phúc thẩm (lần 2) “vụ án vườn điều” từ ngày 9/3/2005 đến ngày 11/3/2005, ông Nén tiếp tục kêu oan, khai rằng những lần khai nhận tội trước đó là do bị điều tra viên bức cung, mớm cung. Khi ông Nén khai rằng bị điều tra viên Cao Văn Hùng đánh đập, ép cung cả trong vụ bà Bông, thẩm phán Phạm Hùng Việt chủ tọa phiên tòa đã cho ông Hùng đối chất với ông Nén. Ông Nén đã vén áo, vén quần để lộ những vết sẹo, mà ông khai rằng do bị ông Hùng đánh…
“Tôi ngoại phạm cả trong vụ bà Mỹ và trong vụ bà Bông, đề nghị Tòa trả tự do cho tôi ngay hôm nay” - ông Nén nói lời sau cùng, trước khi Hội đồng xét xử nghị án. Hội đồng xét xử đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (lần 2), giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại từ đầu, kiến nghị Bộ Công an thụ lý điều tra. Đến tháng 12/2005, “vụ án vườn điều” được kết luận là vụ án oan sai.
Bà Trần Thị Dung, nguyên Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Thuận nói, bà đã nghỉ hưu, không còn nhớ lắm về vụ án bà Bông, không nhớ về việc có hai cáo trạng. Năm 2000, bà là Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận phụ trách công tác xét xử, không phụ trách kiểm sát điều tra. Bà ký cáo trạng vụ án bà Bông vì khi đó ông Trần Thanh Hải (nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Thuận phụ trách điều tra) đi học.
“Thời gian đầu chủ yếu là ông Trần Thanh Hải và ông Quốc (Đại tá Nguyễn Kiến Quốc, nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận) chỉ đạo. Về sau khởi tố điều tra thêm “vụ án vườn điều” thì họp hành nhiều lắm, họp cả với Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, có lúc họp cả với TAND Tối cao. Dĩ nhiên tôi ký cáo trạng thì tôi cũng phải có trách nhiệm. Lúc đó cái trình độ…, tất nhiên càng về sau phải giỏi hơn trước”, bà Dung nói.