Hướng về nguồn cội

Hướng về nguồn cội
TP - Chiều 20/8 tại Hội Nhà báo TPHCM (đường Alexandrode, Q1), Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt lần 1 đã tổ chức họp báo. Nhiều thành viên hội đồng chỉ đạo, ban tổ chức và hàng chục nhà báo đã có mặt.
Hướng về nguồn cội ảnh 1

Ba thí sinh từ Anh vừa trở về Việt Nam để tham dự vòng chung kết tại Nha Trang. Ảnh: Tường Vũ

Tính đến nay, Ban tổ chức đã tiến hành 7 cuộc chung khảo các khu vực để chọn ra hơn 40 thí sinh tham dự vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt lần 1 (HHTGNV).

Danh sách thí sinh chính là điều các nhà báo quan tâm bậc nhất. Quốc tịch các thí sinh dự thi vòng chung kết rất đa dạng: nước Anh (có 3 thí sinh), Đức (3), Thụy Sĩ (1), Séc (1), Nga (2), Ucraina (1), Mỹ (3), Canada (2), Campuchia (1), Bungari (1),  thí sinh trong nước gồm: 12 người đại diện khu vực phía Bắc và 11 người đại diện khu vực phía Nam.

Hiện nay, Ban tổ chức tiếp tục chờ các thí sinh từ các nước châu Á.

“HHTGNV là cuộc thi với quy mô trên toàn thế giới, mới mẻ, thú vị nhưng cũng khó khăn hơn”- Ông Dương Xuân Nam, Tổng Biên tập Báo Tiền phong- Trưởng Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ với các phóng viên- “Qua cuộc thi này chúng tôi thấy rõ  một điều: Hầu hết người Việt ở khắp nơi trên thế giới đều hướng về Tổ quốc và mong muốn tham gia các hoạt động của quê hương…

Có thể nói các thí sinh ở nước ngoài ứng xử cũng rất thông minh, chân thành và thể hiện văn hoá cao. Những câu trả lời của họ xuất phát từ suy nghĩ chân thành. Rất tiếc chúng tôi đã phải loại 3 thí sinh đến từ Pháp, họ đều rất đẹp nhưng lại không thể nói được tiếng Việt”.

Ngay nhà tài trợ chính cuộc này, ông Hoàng Kiều- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty RAAS cũng là người Việt xa xứ đã hơn 32 năm. Cuộc thi này đối với ông cũng thật nhiều ý nghĩa.

“Tôi thấu hiểu tình cảm của hàng triệu đồng bào ta ở nước ngoài luôn hướng về quê mẹ với những mối dây ràng buộc tình cảm thật thiêng liêng cùng gia đình, tộc họ, làng nước, quê hương…”.

Cuộc họp “nóng” dần  bởi mật độ các câu hỏi ngày càng dày đặc. Phóng viên của Thanh niên tuần san đề nghị thông tin danh sách ban giám khảo, nhưng như thường lệ, đây là thông tin “đóng” cho tới ngày cuối của vòng chung kết để tránh cho các vị giám khảo khỏi bị làm phiền.

Phóng viên báo Tài chính Việt Nam  quan tâm vấn đề đi lại của khán giả tới xem đêm chung kết 2/9 tại Vinpearl. Ông Lê Khắc Hiệp - Chủ tịch HĐQT Vincom và Vinpearl báo tin vui:

“So với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm ngoái thì hiện nay tốc độ các chuyến ra vào Vinpearl đã nhanh hơn rất nhiều do có thêm hệ thống cáp treo. Trung bình hệ thống cáp treo vận chuyển  hơn 1.500 khách/giờ, chúng tôi cũng tăng cường thêm tàu để phục vụ cuộc thi HHTGNV lần này”.

Cũng chính vì hai chữ “thế giới” trong cuộc thi HHTGNV khiến các nhà báo quan tâm nhiều hơn đến tiêu chí lựa chọn sắc đẹp của Ban giám khảo lần này.

Hướng về nguồn cội ảnh 2
Phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc họp báo. Ảnh: Trọng Thịnh

Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Dương Xuân Nam (nhà thơ Dương Kỳ Anh) nhấn mạnh: “Dù là thí sinh trong hay ngoài nước thì đều có cơ hội ngang nhau xét ở vẻ đẹp toàn diện. Tiêu chí của chúng tôi vẫn là vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam được nâng lên ở tầm hiện đại”.

Tham dự cuộc họp còn có đạo diễn Phạm Hoàng Nam- người sẽ tổng chỉ huy cho đêm chung kết thật hoành tráng và cũng thật ấm cúng.

Nhà thơ Lê Minh Quốc (báo Phụ nữ TP HCM) khơi mào cho cuộc hé lộ thông tin về đêm chung kết bằng câu hỏi xoay quanh việc thiết kế sân khấu thế nào. Phóng viên báo Người lao động băn khoăn không biết thí sinh đăng quang đêm 2/9  kịp thay chiếc áo hoàng bào đặc biệt như thế nào khi mọi việc đều diễn ra trên sân khấu và truyền hình trực tiếp. 

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam phác thảo: “Tính nguồn cội sẽ được đẩy cao. Sân khấu ở Vinpearl kết cấu hiện đại nhưng chúng tôi sẽ phải thiết kế vừa hoành tráng vừa ấm cúng đặc trưng Á Đông, nghĩa là sân khấu sẽ như một ngôi nhà Việt ấm cúng.

Lễ đăng quang cuộc thi này cũng hơi khác trước: Người đoạt vương miện sẽ khoác bộ hoàng bào mang tính tượng trưng cao và dễ mặc do NTK Sỹ Hoàng thực hiện”.

MỚI - NÓNG