Hướng tới quản trị tài nguyên nước trên công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
Dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi sẽ hướng tới việc thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số đồng thời thúc đẩy xã hội hóa ngành nước, theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức Hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, tài nguyên nước Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó 63% tổng lượng nước mặt Việt Nam là xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ, 71,7% lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ, 7/13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia, đồng thời phân bố không đều theo không gian và thời gian.

Một vấn đề nữa là Việt Nam sử dụng nước kém hiệu quả, còn lãng phí. Trong tổng lượng nước 80,6 tỷ m3 được khai thác, sử dụng hàng năm có khoảng 81% là sử dụng cho nông nghiệp nhưng hiệu quả sử dụng ở mức rất thấp, với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 đôla GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 đôla, thấp hơn Lào 2,53 USD.

Ngoài ra, Việt Nam là một trong số 5 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước chịu ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng.

Hướng tới quản trị tài nguyên nước trên công nghệ số ảnh 1

Quảng cảnh hội thảo khởi động xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, qua hơn 9 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tuy nhiên, quá trình thực thi cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

“Thực tế đòi hỏi chúng ta cần phải tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm minh bạch, đồng bộ để có khả năng vốn hóa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả. Bên cạnh đó, khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia”, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ.

Hướng tới quản trị tài nguyên nước trên công nghệ số ảnh 2

Luật Tài nguyên nước sửa đổi sẽ hướng đến việc thúc đẩy xã hội hóa trong cải tạo các dòng sông.

Ông cho biết thêm, việc xây dựng, hoàn thiện Luật tài nguyên nước sẽ thực hiện trên một số nguyên tắc, quan điểm gồm thể chế hóa được quan điểm tài nguyên nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, thiết yếu, do Nhà nước thống nhất quản lý, lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, lưu vực.

Bên cạnh đó, bãi bỏ các quy định bất cập đồng thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với thực tiễn. Phát triển kinh tế nước, coi sản phẩm nước là hàng hóa thiết yếu, được xác định giá và cần được quản lý, vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Đặc biệt, thiết lập hệ thống hành lang pháp lý cho quản trị tài nguyên nước quốc gia hiện đại trên nền tảng công nghệ số. Tiếp tục đổi mới thể chế, chính sách theo hướng xã hội hóa ngành nước, khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư khai thác sử dụng, bảo vệ, khôi phục nguồn nước bị suy thoái.

Trước đó, ngày 13/6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, theo đó Luật Tài nguyên nước dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Thực hiện nhiệm vụ trên, theo đại diện Cục Quản lý Tài nguyên nước, ngày 9/5/2022, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 958/QĐ-BTNMT về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trong đó Ban soạn thảo có 51 thành viên, Tổ biên tập có 66 thành viên là đại diện các Bộ, ngành, đại diện các cơ quan trong Bộ, các chuyên gia, đại diện một số Sở Tài nguyên và Môi trường và một số doanh nghiệp sử dụng nước lớn.

Ngày 16/5/2022 và ngày 20/5/2022, Bộ đã tổ chức Hội thảo trao đổi về kinh nghiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của AFD (Pháp) giữa chuyên gia của Pháp với Bộ và Hội thảo trao đổi về các vấn đề của Luật Tài nguyên nước giữa chuyên gia của WB với Bộ. Hiện nay, Bộ đang tập trung xây dựng các nội dung dự thảo Luật chia thành 4 nhóm chính sách lớn, đồng thời gửi lấy ý kiến các chuyên gia quốc tế.

MỚI - NÓNG