Hương mùi già chiều cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Từ trong tâm thức, như một thói quen, chiều tất niên, tôi lại đun một nồi nước mùi già để rửa mặt, tắm gội, để hít hà mùi hương quen thuộc đã ngấm vào mình từ thời thơ bé.

Tháng Chạp năm nào cũng vội vã. Thoắt cái đã đến rằm, chưa kịp thở đã đến Tết ông Công ông Táo, chưa định thần đã đến tất niên. 3 cữ thời gian đó dẫu biết trước nhưng năm nào cũng tất tả, bận rộn.

Hương mùi già chiều cuối năm ảnh 1

Chiều cuối năm của cái thời xa xưa ấy, khi bà nội vẫn còn, năm nào sau khi rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu, gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên, bà nội lại chuẩn bị một nồi nước mùi già. Bà bảo nước mùi già diệu kì nên phải rửa mặt trước để sáng mắt, đẹp da, rồi gội đầu và tắm. Bởi cái mùi thơm ngọt ngọt đó theo bà là thứ nước tẩy trần sau một năm vất vả, bụi bặm, bon chen, cần chuẩn bị một tâm hồn thật đẹp, một cơ thể sạch sẽ để đón năm mới, đón khí xuân của đất trời.

Rồi bà mất, nhưng mẹ tiếp nối nếp nghĩ của bà, phiên chợ cuối năm vẫn không quên mua nắm mùi già về nấu nước cho chị em tôi tẩy trần. Đôi khi, bất chợt thấy chùm hoa bưởi nở sớm đón xuân ngoài vườn, chậu nước mùi thơm ngát, thả một vài bông bưởi trắng, xức nước lên mặt, mùi thơm ngọt pha chút ngan ngát của bông bưởi thấy khoan khoái lạ thường.

Thành phố đông đúc, chật chội, nhưng từ 20 tháng Chạp, chợ Hàng Bè vẫn không thiếu mùi già của một gánh hàng rong, yên lặng bên góc phố tấp nập, sầm uất mua bán, ăn uống sành, sang bậc nhất chốn Hà Thành. Vài năm gần đây, người Hà Nội có thú vui mua mùi già về cắm thành chum như chơi hoa. Dù ở đâu, loài cây này cũng lặng lẽ, mộc mạc tỏa ra mùi Tết, dân dã mà thanh tịnh.

Có những thứ tự nó tỏa hương mà không cần khoe sắc. Sự kết tụ của đất trời để rồi lòng người đón năm mới với chút xao xuyến giao mùa. Chợt nhớ nội khi thoang thoảng hương mùi vấn vít tóc đêm giao thừa.

MỚI - NÓNG