Sáng 3/5, Ban quản lý (BQL) chợ Đông Ba, thành phố Huế phối hợp Sở Công thương, Chi cục Thủy sản TT-Huế tổ chức quầy hàng bán cá sạch cho người dân trên địa bàn TT-Huế; cùng với đó là nhiều điểm bán cá biển đã qua kiểm định được thiết lập tại Co-op Mart và Big C chi nhánh Huế.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trà, Trưởng BQL chợ Đông Ba, mục đích chính của việc tổ chức điểm bán cá sạch này là để tuyên truyền cho người dân yên tâm sử dụng trở lại các loại cá biển. Đồng thời, là địa chỉ để người tiêu dùng lựa chọn sử dụng sản phẩm sạch.
Cũng như Big C và Co-op Mart Huế, BQL chợ Đông Ba cam kết tổ chức thu mua, hỗ ngư dân trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm cá biển sạch, có nguồn gốc an toàn, để phân phối ra thị trường.
Trong sáng 3/5, cá biển các loại tại điểm tiêu thụ do BQL chợ Đông Ba thiết lập được bán với giá khá "mềm": Cá ngừ loại lớn giá 40.000 đồng/kg, cá nục và cá xiêm đồng giá 30.000 đồng/kg. Nhiều người dân đã yên tâm tìm đến đây mua cá biển về dùng.
Công nhân tích cực đóng hàng hải sản tại cảng cá Thuận An để xuất đi các tỉnh.
Cảng cá Thuận An luôn có nhiều xe tải đông lạnh chờ nhận hàng.
Trước đó, Co-op Mart Huế cũng mở gian hàng bán hải sản biển sạch nhập về từ cảng cá Thuận An (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế). Cá ở đây được bảo đảm nguồn gốc an toàn, xa bờ, theo giám sát hành trình đánh bắt bằng công nghệ định vị vệ tinh GPS của cơ quan chức năng TT-Huế. Chỉ vài giờ sau khi gian hàng mở cửa, các loại hải sản tiêu thụ tại Co-op Mart Huế tăng 300% so với ngày thường, với khoảng 1 tấn hải sản được bán ra.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế, ngoài Đông Ba và các siêu thị lớn, thời gian tới, nhiều gian hàng cá biển sạch sẽ được tổ chức rộng ra trên địa bàn thành phố Huế và các huyện, thị xã.
Nhằm hỗ trợ ngư dân dễ dàng tiêu thụ sản phẩm đánh bắt, Chi cục Thủy sản đã lập điểm xác nhận nguồn gốc hải sản an toàn tại cảng cá Thuận An.
Đến nay, hơn 100 tấn hải sản qua cảng cá Thuận An đã được xác nhận để chuyển đến nhiều điểm bán hải sản sạch thuộc thành phố Huế và các tỉnh, thành miền Trung. Việc làm này đã kịp thời giúp ngư dân tự tin vươn khơi bám biển, mưu sinh ổn định với nghề cá, cũng như góp phần kêu gọi người dân quay trở lại với sản phẩm cá biển có nguồn gốc rõ ràng, được cấp chứng chỉ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ tất bật cho một chuyến vươn khơi phục vụ những tàu cá bám biển dài ngày.
Tại cảng cá Thuận An sáng 3/5, theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hoạt động tiêu thụ cá biển của ngư dân từ khơi xa trở về, cũng như việc nhập hàng hải sản chuyển đi các tỉnh của các cơ sở, doanh nghiệp diễn ra hết sức sôi động. Không có dấu hiệu nào cho thấy việc kinh doanh, tiêu thụ gặp khó khăn, đình trệ do ảnh hưởng từ tình hình cá biển chết tại 4 tỉnh miền Trung thời gian vừa qua.
Chị Lê Thị Thủy, chủ cơ sở kinh doanh hải sản Chính Thủy (đóng trong cảng cá) cho biết, mỗi ngày cơ sở này lấy hàng từ ngư dân rồi xuất ra ngoài tỉnh từ 10 đến 20 tấn cá biển. Cá biển về bao nhiêu xuất đi bấy nhiêu, không ứ hàng.
Thời điểm chúng tôi có mặt, tại cơ sở Chính Thủy có nhiều lao động đang tất bật nhập hàng lên xe đông lạnh chuẩn bị chở ra Hà Tĩnh, với số lượng khoảng 10 tấn cá đã được xác nhận an toàn. Hàng xuất đi chủ yếu là cá xước (cá lá tre), cá nục mắt to đã được xác nhận an toàn. Trong khu vực cảng cá Thuận An có hơn 50 xe tải thùng đông lạnh mang biển số nhiều tỉnh chờ nhận hàng hải sản. Phía bến tàu, hơn 20 thuyền cá vừa trở về lúc sáng sớm sau những ngày kiên trì bám biển.
Anh Lê Giáp, chủ tàu TTH-09442 TS, cho biết: Ngư dân trên địa bàn vẫn vươn khơi bám biển bình thường, không có phương tiện đánh bắt nào nằm bờ. Con tàu lớn chuyên dịch vụ hậu cần nghề cá của anh Giáp lại sắp sửa vươn khơi, chở theo hàng tấn nhu yếu phẩm, 800 cây đá lạnh để cung cấp cho những tàu đánh cá địa phương đang làm nghề dài ngày ngoài khơi xa.