Huế lập dự án di dời biệt thự Pháp cổ ven sông Hương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chiều 24/9, thông tin từ UBND TP Huế cho biết, dự án di dời công trình biệt thự Pháp cổ khoảng 100 năm tuổi tại đường Lê Lợi ven sông Hương được HĐND TP Huế thông qua để tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Chủ tịch UBND TP Huế, cho biết, trước đó UBND tỉnh TT-Huế đã giao UBND TP Huế tổ chức thực hiện dự án đầu tư liên quan đến việc di dời công trình trên đất tại số 26 đường Lê Lợi và chỉnh trang tổng thể khu vực số 1 đường Phạm Hồng Thái và khu vực lân cận.

Từ căn cứ này, UBND TP Huế đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành chức năng cùng tư vấn, lập phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Di dời công trình trên đất tại số 26 đường Lê Lợi và chỉnh trang tổng thể khu vực 1 đường Phạm Hồng Thái và khu vực lân cận”.

Huế lập dự án di dời biệt thự Pháp cổ ven sông Hương ảnh 1

HĐND TP Huế vừa ban hành Nghị quyết bổ sung dự án di dời ngôi biệt thự Pháp cổ tại số 26 Lê Lợi và chỉnh trang tổng thể khu vực số 1 đường Phạm Hồng Thái, cùng khu vực lân cận.

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 6 vừa diễn ra, HĐND TP Huế đã ban hành Nghị quyết bổ sung dự án trên vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP Huế theo Luật Đầu tư công.

Theo quy định về mặt thủ tục thực hiện, sau khi dự án được bổ sung danh mục đầu tư công trung hạn, UBND TP Huế sẽ hoàn thiện dự án trình HĐND TP Huế phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai các công tác lựa chọn nhà thầu thi công.

Huế lập dự án di dời biệt thự Pháp cổ ven sông Hương ảnh 2

Dự án di dời ngôi biệt thự Pháp cổ tại 26 Lê Lợi đã được đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP Huế. Ảnh: H.H

Trước đó, như Tiền Phong thông tin, ngôi biệt thự Pháp cổ khoảng 100 năm tuổi ở địa chỉ số 26 đường Lê Lợi, TP Huế, từng là trụ sở làm việc của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh TT-Huế.

Đây là ngôi biệt thự cổ theo phong cách kiến trúc thời Pháp thuộc, công trình được xây dựng đầu thế kỷ 20, đến nay khoảng 100 năm tuổi.

Sau năm 1975, ngôi biệt thự từng là nơi lui tới của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng Trần Hoàn, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Hữu Pháp… nhà văn, nhà thơ Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Trần Thùy Mai, Hải Bằng, Võ Quê, Trần Vàng Sao và các họa sĩ nổi tiếng như Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Đinh Cường,…

Đầu năm 2018, UBND tỉnh TT-Huế ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế nhằm chuẩn bị xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của 27 công trình.

Mặc dù ngôi biệt thự Pháp cổ tại số 26 Lê Lợi không có tên trong danh sách được bảo tồn, tôn tạo; tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, cùng các lãnh đạo tỉnh quyết định giữ lại ngôi biệt thự này, với mong muốn lưu giữ hình ảnh cho đô thị Huế trong quá trình phát triển.

Huế lập dự án di dời biệt thự Pháp cổ ven sông Hương ảnh 3

Thần đèn Nguyễn Văn Cư ở TPHCM sẽ được mời di dời ngôi biệt thự cổ này. Ảnh: H.H

Lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế cũng từng cho biết, tỉnh dự kiến thuê “thần đèn” Nguyễn Văn Cư ở TP HCM ra Huế để di dời ngôi biệt thự Pháp cổ tại số 26 đường Lê Lợi, đến khu đất trống phía đối diện ở bờ sông Hương; phần đất trống tại số 26 Lê Lợi sẽ được sử dụng cho mục đích dịch vụ.

Ngôi biệt thự Pháp cổ sau khi di dời sẽ có hướng quay mặt ra đường Phạm Hồng Thái, cách lộ giới đường Phạm Hồng Thái khoảng 20m. Thời gian thực hiện di dời công trình khoảng 4 tháng. Kinh phí thực hiện di dời khoảng 2,5 tỷ đồng, chưa tính kinh phí cải tạo tòa nhà sau khi di dời.

Huế lập dự án di dời biệt thự Pháp cổ ven sông Hương ảnh 4
Huế lập dự án di dời biệt thự Pháp cổ ven sông Hương ảnh 5

Một phần bên trong ngôi biệt thự cổ.

Được tỉnh TT-Huế dự kiến chọn thực hiện di dời ngôi biệt thự Pháp cổ, “thần đèn” Nguyễn Văn Cư chia sẻ, vì Huế là quê hương của mình nên ông sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ một cách bảo đảm nhất.

Do biệt thự Pháp cổ với phần nền móng chủ yếu được xây bằng gạch, không phải kết cấu bằng bê tông khối như các công trình thông thường, nên để di dời ngôi biệt thự này sẽ rất khó, gặp nhiều vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật; tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Cư vẫn kỳ vọng sẽ thực hiện được.

Hiện nay, “thần đèn” Nguyễn Văn Cư đang ở Huế để thực hiện di dời ngôi chánh điện nặng 1.000 tấn tại ngôi cổ tự Diệu Đế. Ông Cư và các cộng sự sẽ dịch chuyển ngôi chánh điện tới vị trí mới với khoảng cách 18m, qua đó để giữ nguyên được 3 bệ thờ Phật và bức tranh “Long vân khế hội” được vẽ trên trần chánh điện. Bức tranh “Long vân khế hội” (hay còn gọi là Cửu Long Ẩn Vân) từng được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam” vào tháng 3/2008.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.