Huế dạy môn nữ công gia chánh trong trường học, khôi phục nét đẹp ‘tiếng dạ, tiếng thưa'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngoài việc bồi dưỡng kỹ năng về nữ công gia chánh, các tiết học của môn này còn là nơi truyền dạy nét văn hóa ứng xử, tác phong của người phụ nữ Huế từ “tiếng dạ, tiếng thưa” đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng...

Chiều 12/3, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa họp với đại diện các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn, nhằm thống nhất chủ trương cho thí điểm khôi phục lại việc dạy nữ công gia chánh tại Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) để làm cơ sở nhân rộng ra toàn tỉnh.

Huế dạy môn nữ công gia chánh trong trường học, khôi phục nét đẹp ‘tiếng dạ, tiếng thưa' ảnh 1

Trường THPT Hai Bà Trưng (Huế) được chọn thực hiện thí điểm. - Nguồn internet

Theo đại diện Trường THPT Hai Bà Trưng, trong hoạt động giáo dục ở trường học hiện nay cần tăng cường các hoạt động giáo dục ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện của học sinh, trong đó chú trọng đến môn nữ công gia chánh, giúp cho các em có những kiến thức, kỹ năng cần thiết hỗ trợ chính bản thân và gia đình.

Theo nghệ nhân Mai Thị Trà - cựu nữ sinh Đồng Khánh (Trường Hai Bà Trưng - Huế ngày nay) và là cựu giáo viên Trường Hai Bà Trưng, ngày trước Trường Hai Bà Trưng có thế mạnh về đào tạo nữ công gia chánh. Đây là môn học được nữ sinh rất yêu thích, tập trung vào kỹ năng dưỡng nhi, kế hoạch chi tiêu gia đình, thêu, may, chế biến các món ăn truyền thống của Huế. Bản thân nghệ nhân Mai Thị Trà rất yêu thích học và cũng là người tâm huyết truyền dạy môn học này, nhưng rất tiếc ngày nay đã mai một.

Huế dạy môn nữ công gia chánh trong trường học, khôi phục nét đẹp ‘tiếng dạ, tiếng thưa' ảnh 2

Từ môn học nữ công gia chánh sẽ tạo nên những bàn tay tài hoa làm nên các món ăn tinh tế đậm chất Huế. - Nguồn internet

 

Còn theo bà Nguyễn Khoa Diệu Huyền, Trưởng Ban liên lạc cựu nữ sinh Đồng Khánh, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Hai Bà Trưng, ngoài việc bồi dưỡng kỹ năng về nữ công gia chánh, tại các tiết học của môn này còn là nơi truyền dạy nét văn hóa ứng xử, tác phong của người phụ nữ Huế từ “tiếng dạ, tiếng thưa” đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng. Vì lẽ đó, nữ sinh Đồng Khánh - Hai Bà Trưng được xem là thương hiệu đầy tự hào của phụ nữ Huế.

Huế dạy môn nữ công gia chánh trong trường học, khôi phục nét đẹp ‘tiếng dạ, tiếng thưa' ảnh 3

Các tiết học nữ công gia chánh còn là nơi truyền dạy nét văn hóa ứng xử, tác phong của người phụ nữ Huế từ “tiếng dạ, tiếng thưa” đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng. - Nguồn internet

Ngày nay, qua nhiều cải cách giáo dục, các thay đổi về dạy nghề trong trường phổ thông và ảnh hưởng của xu thế mới nên việc dạy và học môn nữ công gia chánh trong các trường phổ thông không còn duy trì như trước.

Thực tế này dẫn đến những hạn chế kiến thức, kỹ năng về nữ công gia chánh, thiếu am hiểu về văn hóa ẩm thực, ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc sống và đặc biệt khi họ trở thành người phụ nữ của gia đình. Do vậy, phục hồi việc dạy học môn nữ công gia chánh hết sức cần thiết và cấp bách.

Huế dạy môn nữ công gia chánh trong trường học, khôi phục nét đẹp ‘tiếng dạ, tiếng thưa' ảnh 4 Ảnh minh họa: Internet

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, yêu cầu ngành Giáo dục tỉnh này một mặt thực hiện tốt công tác giảng dạy kiến thức văn hóa theo chương trình của Bộ GD&ĐT, nhưng đồng thời chú trọng giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, lịch sử, văn hóa và con người Huế. Sau khi thực hiện thí điểm tại Trường Hai Bà Trưng, môn nữ công gia chánh sẽ được nhân rộng ra toàn tỉnh TT-Huế, làm như vậy để cốt cách Huế thấm sâu vào từng học sinh Huế, để học sinh Huế có lòng tự hào về vùng đất, lòng biết ơn, lòng vị tha, làm hành trang cho các em vào đời.

Chủ tịch Phan Ngọc Thọ thống nhất giao Trường THPT Hai Bà Trưng thí điểm khôi phục lại việc dạy môn nữ công gia chánh trong nhà trường từ năm học 2021-2022.

Mục tiêu đặt ra là làm cho Trường THPT Hai Bà Trưng trở thành điểm sáng, một nét đẹp trong giáo dục kỹ năng sống và nữ công gia chánh, để làm cơ sở nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.