HTX trồng nấm của những thanh niên triệu phú

Anh Nguyễn Văn Duẩn chăm sóc vườn nấm của HTX.
Anh Nguyễn Văn Duẩn chăm sóc vườn nấm của HTX.
TP - Sau nhiều năm bôn ba làm thuê, anh Nguyễn Văn Duẩn luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo trên chính quê hương mình. Mô hình trồng nấm ra đời giúp anh Duẩn và HTX do anh là chủ nhiệm tạo thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trăn trở thoát nghèo

Tốt nghiệp cấp 3, ước mơ bước chân vào giảng đường đại học của Nguyễn Văn Duẩn (SN 1982, trú tại xóm Liên Thanh, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh) phải gác lại khi nhận chia sẻ của bố mình “con đi học tiếp, không biết hai em sau sẽ thế nào”. Quyết không để bố mẹ nghèo khổ, việc học của các em phải bỏ dở, Duẩn lên đường theo bạn bè vào Nam làm công nhân. Quần quật làm cả ngày, rồi ban đêm làm thêm ca, nhưng đồng lương ít ỏi làm Duẩn nhiều lần nản chí, muốn bỏ về quê tìm việc khác. Nhưng về quê bây giờ lại thêm gánh nặng cho bố mẹ. Duẩn trăn trở: Nhiều nơi làm nông nghiệp với mô hình trang trại hiệu quả, sao quê mình không làm được?...

Sau những giờ làm công nhân ở nhà máy, Duẩn đạp xe từ vùng đất này đến vùng đất khác ở TPHCM, Bình Dương... để tìm hiểu, thăm dò. “Thấy mô hình nào đầu tư cũng hàng trăm triệu đồng. Nhiều lần nản chí muốn từ bỏ, nhưng phận làm thuê như thôi thúc mình phải cố gắng”, anh Duẩn tâm sự. Thế rồi một hôm, tham quan mô hình trồng nấm ở huyện Củ Chi, TPHCM, chàng trai nghèo như bừng tỉnh trước vườn nấm bạc tỷ của một nông dân. Sau những giờ tan ca ở nhà máy, anh Duẩn đến xin ông chủ làm không công. Thấy anh chân thật và tâm huyết nên ông chủ nhận vào làm và truyền lại nhiều bí quyết của nghề trồng nấm.

Sau ba năm tích lũy kinh nghiệm nghề trồng nấm, năm 2009, anh Duẩn khăn gói lên đường về quê với lưng vốn dắt lưng là vài bí quyết của nghề nấm. Sau nhiều lần ngăn cản Duẩn không được, bố mẹ Duẩn đành chấp nhận thế chấp ngân hàng, chạy vạy người thân gom đủ 40 triệu đồng để con đánh cược với nấm. Do Duẩn chưa có kinh nghiệm trong việc chọn giống, sau ba tháng trời mưa gió, vườn nấm gần 70m2 của anh bị còi cọc… “Cú thất bại đó mãi không bao giờ quên. Bố mẹ khóc thương vì nợ nần. Nhưng đã bước chân theo rồi phải đuổi tới cùng”, anh Duẩn quyết tâm. Chàng trai nghèo lại nhờ bố mẹ vay thêm tiền để đầu tư lứa mới và thành công đã đến với anh khi những “bình hoa nấm” đua nhau nảy nở.

CLB Thanh niên làm kinh tế giỏi

Năm 2012, khi tham gia một lớp tập huấn do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức về Hợp tác xã (HTX), anh Duẩn nảy sinh ý tưởng mở rộng quy mô lên thành HTX để giúp đỡ nhiều đoàn viên nghèo khó trong xã. “Ý tưởng kêu gọi thanh niên trong xã góp vốn để thành lập HTX trồng nấm của anh Duẩn làm mọi người bất ngờ. Ý tưởng này cũng là trăn trở bao lâu nay của lãnh đạo xã khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại xã Thạch Hạ”, Bí thư Đoàn xã Thạch Hạ, anh Phạm Văn Đức, cho biết.

Ý tưởng hay nhưng khi đi vào thực hiện lại không dễ. Nhiều đoàn viên trong xã vẫn chưa thực sự tin tưởng vào mô hình trồng nấm nên tỏ ra e dè, nhụt chí. Sau nhiều lần được thuyết phục, cam kết sẽ lo đầu ra cho sản phẩm, một số đoàn viên mới yên tâm. Và HTX trồng nấm Thạch Hạ ra đời với 7 xã viên do anh Duẩn làm chủ nhiệm.

Để những ông chủ, bà chủ mạnh dạn đầu tư và có tổ chức, Đoàn xã Thạch Hạ đã thành lập CLB thanh niên làm kinh tế giỏi vùng ven đô. “Việc thành lập CLB là một hướng đi đúng hiện nay đối với cách làm kinh tế của thanh niên nông thôn”, anh Phạm Văn Đức nói.

HTX trồng nấm Thạch Hạ đang thực hiện mô hình mở rộng việc trồng nấm cho người dân ở thành phố Hà Tĩnh bằng hình thức “bán công nghệ” và bao tiêu sản phẩm. Sau khi nấm nguyên liệu đóng thành bịch để bán hoặc thuê người dân chăm sóc, sản phẩm làm ra nếu người dân không bán được ra thị trường, HTX sẽ mua lại. “Hiện có hơn 10 người mua hàng chục nghìn bịch về chăm sóc với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ”, anh Duẩn nói. Các loại nấm của HTX ngày càng đa dạng như mộc nhĩ, sò tươi, linh chi… Với số vốn đầu tư ban đầu gần 500 triệu đồng diện tích vườn gần 1.000m2, HTX giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương 3 triệu đồng/người. Thu nhập mỗi năm của HTX trồng nấm Thạch Hạ từ 300 triệu đồng trở lên. Nói về hướng phát triển tương lai, anh Duẩn chia sẻ, để giúp những thanh niên trong xã yên tâm về mô hình trồng nấm, HTX đang làm đơn xin mở rộng diện tích và tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở trong nước mà mở rộng ra cả nước ngoài. Anh Phạm Văn Đức cho biết, thành công bước đầu của HTX trồng nấm Thạch Hạ như phát súng mở đầu trong phong trào thanh niên làm kinh tế trong xã. “Hiện toàn xã có 10 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, giải quyết việc làm cho hơn 100 đoàn viên thanh niên, với thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng/người”, anh Đức nói.

MỚI - NÓNG