HoREA kiến nghị Chính phủ 10 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 8/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng với Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản phía Nam và Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Trước đó, vào ngày 7/11, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn mời lãnh đạo Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp đến dự cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản phía Nam được mời họp, gồm Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Phú Mỹ Hưng, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Becamex, Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty CP Đầu tư IMG, Công ty địa ốc Hoàng Quân, Tập đoàn Him Lam, Công ty CP Đại An, Tập đoàn Phú Cường, Tập đoàn Sơn Kim Land, Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC), Tập đoàn Khang Điền, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA).

Ngoài ra còn có 12 doanh nghiệp bất động sản tại khu vực phía Bắc cũng được mời dự họp trực tuyến, gồm Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Tuần Châu, Tập đoàn TNG, Tập đoàn Flamingo... Bộ Xây dựng được yêu cầu chuẩn bị 40 bộ tài liệu và báo cáo.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, tại cuộc họp ông đã báo cáo, thị trường bất động sản đang gặp phải vô vàn khó khăn, đứng trước khả năng rơi vào suy thoái. Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản, phải thực hiện các biện pháp "đau đớn" để tồn tại.

Đồng thời, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO… Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

HoREA kiến nghị Chính phủ 10 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản ảnh 1

Thị trường bất động sản đang gặp phải vô vàn khó khăn, đứng trước khả năng rơi vào suy thoái.

Bên cạnh đó, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đói vốn, phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro.

Thậm chí, có doanh nghiệp còn phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 40% giá hợp đồng, tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có rủi ro do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai.

Tuy nhiên, việc bán dự án với "giá hời" có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính, có thể làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.

Để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản, HoREA kiến nghị 10 giải pháp liên quan đến việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nới tín dụng, tháo gỡ cho thị trường trái phiếu, tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Cụ thể, HoREA đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng thêm khoảng 1-2% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỉ lệ nhất định...

Đặc biệt, cần kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay để tăng nguồn cung nhà ở và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.