Hợp tác cải thiện giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và ông Matthew Morell, Tổng Giám đốc IRRI.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và ông Matthew Morell, Tổng Giám đốc IRRI.
TP - Hạn hán, xâm nhập mặn, rét đậm… là những hiện tượng biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất lúa gạo thời gian qua. Để ứng phó, Bộ NN&PTNT đang triển khai các dự án hợp tác quốc tế giúp chọn tạo giống lúa tối ưu, chống chịu tốt, nâng cao năng suất giúp giảm giá thành.

Ngày 4/11, trong khuôn khổ cuộc họp Hợp tác về phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam giữa Bộ NN&PTNT và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), nhiều giải pháp đã được đặt ra nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nặng nề đến nền nông nghiệp lúa gạo Việt Nam.

Thách thức từ biến đổi khí hậu

Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, biến đổi khí hậu và các tác động của nó đang xảy ra nhanh hơn dự báo. Mức độ khốc liệt hơn, tần suất cao hơn với các hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn, rét đậm, rét hại... Trong năm 2016, nước ta phải đối mặt với hiện tượng El-Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc, khiến vùng duyên hải Nam Trung bộ với các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên 2 vụ liền không có nước dẫn đến hàng chục nghìn hécta đất lúa phải ngừng sản xuất. 

Cùng với đó, xâm nhập mặn sâu và nồng độ cao ở các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) làm thiệt hại hàng chục nghìn hécta lúa. Đến tháng 6/2016, diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân cả nước giảm 31,1 nghìn ha, năng suất giảm 3,6 ta/ha và sản lượng giảm 1,326 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2015.

Đại diện Viện lúa ĐBSCL cho biết, các chương trình nghiên cứu, chọn tạo giống lúa cho vùng bị ảnh hưởng của mặn đã có những thành công bước đầu. Những giống OM6677, OM576, OM6976… có khả năng chịu phèn, chịu mặn khá đã được đánh giá thử nghiệm. IRRI là đối tác truyền thống của ngành lúa gạo Việt Nam, từ những năm 80 của thế kỷ trước, có thời điểm nền nông nghiệp lúa miền Bắc có đến 70 - 80% nguồn gốc lúa của IRRI. 

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam được cung cấp 40 giống lúa tốt nhất ở các nước trên thế giới, tuy nhiên các giống này không thể sử dụng ngay, bởi khi trồng ở điều kiện nước ta lại không hiệu quả hơn giống đối chứng. Do đó các giống này cần chọn lọc, cải tạo, đưa những gen chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao để tạo ra được những giống lúa phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Mỗi năm chỉ cần chứng nhận một giống lúa bền vững

Tổng Giám đốc IRRI, ông Matthew Morell chia sẻ, việc hợp tác để tái cấu trúc ngành lúa gạo đối phó với biến đổi khí hậu là nhu cầu cấp bách của nông nghiệp Việt Nam. Mục tiêu của IRRI là giúp người nông dân thu nhập cao hơn, đảm bảo kinh tế - xã hội và môi trường. Ngoài việc cùng hợp tác sản xuất giống lúa chất lượng cao, chịu mặn, kháng sâu bọ tối ưu, đã đến lúc xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam để xuất khẩu quốc tế. 

“Thực tế, các thị trường có nhu cầu gạo lớn như Mỹ, châu Phi, châu Âu… lại đang dè dặt với lúa gạo nhập khẩu từ Việt Nam”, ông Matthew nói. Do đó, cần kết nối thị trường, hiểu rõ nhu cầu người dân ở các thị trường chuyên biệt. Bên cạnh đó, IRRI cam kết đưa chuyên gia đến Việt Nam để đào tạo tại chỗ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, IRRI đã có một quá trình hợp tác lâu dài, hiệu quả với Việt Nam trong vấn đề nghiên cứu và phát triển ngành hàng lúa gạo. Cuộc họp là cơ hội để tổng kết, đánh giá lại những hợp tác trong thời gian vừa qua và bàn những chủ đề chính để thúc đẩy những hợp tác mới. Đặc biệt khi Bộ NN&PTNT chủ trì tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó có tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đưa ra 5 lĩnh vực phối hợp trọng tâm trong thời gian tới, bao gồm: Hợp tác nghiên cứu vấn đề về kinh tế, thị trường, hình thành chuỗi để tiêu thụ lúa gạo; Chọn tạo giống lúa tối ưu, không cần thiết đưa ra chứng nhận 10 - 15 giống/năm, những giống này thường ra thị trường được 2-3 năm là biến mất. Một năm chỉ cần chứng nhận 1 giống bền vững, có hàm lượng khoa học cao là đủ; Cùng nhau hoàn thiện các gói kỹ thuật cho từng vùng trồng lúa, hướng tới nâng cao năng suất chất lượng từng giống nhưng đảm bảo giảm giá thành, giảm chi phí ứng dụng với từng đặc thù vùng miền; Phối hợp mô phỏng, dự đoán tình hình biến đổi khí hậu, đưa ra những giải pháp cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam; Đào tạo nhân lực trong nước và tại IRRI.

IRRI là đối tác truyền thống của ngành lúa gạo Việt Nam, từ những năm 80 của thế kỷ trước, có thời điểm nền nông nghiệp lúa miền Bắc có đến 70 – 80% nguồn gốc lúa của IRRI.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.