Sản xuất hạt giống lúa lai F1: Nông dân thắng lớn

Nông dân xã Quế Xuân 1, Quế Sơn (Quảng Nam) tham gia sản xuất lúa giống cho năng suất và giá trị kinh tế cao.
Nông dân xã Quế Xuân 1, Quế Sơn (Quảng Nam) tham gia sản xuất lúa giống cho năng suất và giá trị kinh tế cao.
TP - Sau 3 năm triển khai, dự án sản xuất hạt giống lúa lai F1 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) chủ trì đã gặt hái nhiều thành công. Nông dân vùng dự án đã thành thục với việc sản xuất hạt giống năng suất cao, và nguồn giống đang dần chủ động.

Nông dân hưởng lợi!

Cánh đồng sản xuất lúa lai tại thôn Dưỡng Xuân, xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn, Quảng Nam) đang bước vào vụ thu hoạch hạt lúa lai F1. Cả cánh đồng bát ngát, lúa bố và mẹ phát triển ngập đầu người. Các chuyên gia của TTKNQG nhận định người dân tại đây chăm sóc, đầu tư cây lúa giống tốt nên lúa phát triển tốt, chất lượng và năng suất cao, ổn định.

Ông Đinh Một, nông dân tham gia dự án sản xuất lúa lai F1 3 năm nay cho biết, năm đầu tiên còn bỡ ngỡ, nên năng suất lúa không cao. Nhưng qua nhiều đợt tập huấn của cán bộ TTKNQG, tỉnh và huyện, nông dân đã dần nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây giống bố và mẹ để cho những bông lúa lai F1 năng suất, ít sâu bệnh. Sau 3 năm, nông dân tham gia dự án đã sản xuất lúa lai đại trà thay cho diện tích sản xuất lúa thông thường.

Theo ông Một, mỗi vụ ông làm  3 sào sản xuất lúa lai F1. Từ đầu vụ, phía doanh nghiệp ký kết thu mua sản phẩm giá cao gấp 4 lần so với lúa thuần. Trường hợp mất mùa, doanh nghiệp sẽ  bồi thường thiệt hại nên nông dân an tâm đầu tư sản xuất.

Ông Một tính toán, mỗi vụ, sản xuất hạt giống lúa lại F1 đạt năng suất 120 kg/sào, phía doanh nghiệp thu mua quy đổi 1 kg hạt giống lúa lai F1 bằng 4 kg lúa thương phẩm. Năm nay, ở địa phương giá lúa thương phẩm 6.000 đồng/kg, tính ra tôi thu về gần 3 triệu đồng/sào. Trong khi đó, sản xuất lúa thường đạt bình quân 2 triệu đồng/sào, chưa trừ chi phí.

“Trồng lúa lai có lợi nhuận cao hơn 1 triệu đồng/sào so với lúa thường. Ngoài ra, trên diện tích 500m2 tôi thu 350m2 lúa mẹ bán cho doanh nghiệp, còn 150m2 lúa bố làm thức ăn chăn nuôi. Lợi nhuận đem lại rất cao so với sản xuất lúa thường. Tuy nhiên, sản xuất hạt giống lúa lai đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn, mỗi vụ lúa phải phun đến 18 lần thuốc, đồng thời bỏ rất nhiều công cắt lúa, thu dọn đồng ruộng. So với trồng lúa bình thường, nông dân trồng lúa lai phấn khởi hơn nhiều, lúa vừa gặt đã có người đến thu mua, không lo đầu ra”, ông Một cho biết.

Đáp ứng được 40% nhu cầu giống

Đó là kết quả được công bố tại “Hội nghị sơ kết sản xuất hạt giống lúa lai F1 vụ đông xuân 2015-2016 vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên” vừa được tổ chức tại xã Quế Phú (Quế Sơn, Quảng Nam).

Theo TTKNQG, vụ đông xuân 2015-2016, trên địa bàn cả nước có 12 đơn vị tham gia sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại 11 tỉnh, thành phố với quy mô 1.464 ha. Trong vùng dự án có 9 đơn vị tham gia thực hiện tại 8 tỉnh với tổng diện tích 720 ha. Tổng sản lượng hạt lai F1 ước đạt khoảng 7.500 - 8.000 tấn, đáp ứng nhu cầu hạt giống trong nước từ 37 - 40%.

Ngoài ra, tham gia dự án, người nông dân được hưởng lợi đáng kể, hầu hết các đơn vị sản xuất giống lúa lai F1 hiện nay đều ký hợp đồng thu mua sản phẩm với nông dân theo giá thỏa thuận. Phổ biến là quy đổi 1 kg thóc giống F1 đạt tiêu chuẩn tương đương 4 - 6 kg thóc thương phẩm theo giá thị trường địa phương. Các doanh nghiệp tổ chức thu mua thóc tươi của nông dân, đưa về cơ sở sấy, chế biến và đóng bao. Như, Cty CP Giống cây trồng Trung ương thu mua 1 kg hạt giống F1 Nhị ưu 838 và Bác ưu 903 tương đương 4,2 - 4,7 lần thóc thương phẩm tương ứng.

TS Phan Huy Thông, Giám đốc TTKNQG cho biết, nhu cầu hạt giống lúa lai ở nước ta rất lớn. Trước đây, chủ yếu nhập từ nước ngoài, sau nhiều nỗ lực nghiên cứu, đến nay việc sản xuất lúa lai F1 đã gặt hái nhiều thành công. Sau 3 năm triển khai dự án, đến nay chúng ta đang dần chủ động được nguồn giống trong nước, giảm giá thành, từng bước nâng cao chất lượng hạt giống không thua kém các giống lúa nước ngoài. Với năng suất từ 2,5 - 3 tấn/ha, với giá thu mua cao, gấp ít nhất 4 lần lúa thương phẩm thông thường, dự án đã góp phần tăng nguồn thu, sản xuất đại trà và tạo ra một nghề mới, nghề sản xuất lúa giống cho nông dân với mức thu nhập ổn định, khá cao.

Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng: Việc sản xuất lúa lai cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng nông dân đối diện với rủi ro. Do đó, nhà nước, cơ quan ban ngành cần tính toán có những chính sách hỗ trợ cho nông dân vùng sản xuất giống để đảm bảo tăng diện tích và sản lượng. “Trước mắt, cần hỗ trợ việc mua bảo hiểm cho nông dân sản xuất lúa lai vì đây là nghề thu nhập cao nhưng đầy rủi ro”, ông Muộn kiến nghị.

Theo ông Thông, tổng quy mô thực hiện năm 2015 với diện 920 ha, tổng sản lượng hạt lai F1 đạt 2.450 tấn. Chỉ tính bình quân giá bán thấp hơn giá nhập khẩu 10.000 đồng/kg, đã tiết kiệm được khoảng 24,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc sản xuất lúa lai còn đem lại hiệu quả gián tiếp. Với sản lượng 2.450 tấn giống F1, dự kiến gieo cấy được khoảng 80.000 ha thóc thương phẩm. Ước tăng năng suất bình quân 10 tạ/ha, sản lượng tăng khoảng 80.000 tấn thóc, tương đương khoảng 480 - 500 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.