Hơn 5.000 hiện vật cổ xưa của người đàn ông xứ Nghệ
TPO - Hơn 30 năm qua, ông Trần Thái Bình (trú TP Vinh, Nghệ An) đã tạo nên bộ sưu tập hơn 5.000 hiện vật cổ xưa, đa chủng loại, chất liệu. Với ông, việc sưu tầm các hiện vật cổ xưa không chỉ thỏa mãn niềm đam mê của bản thân về cổ vật, mà qua đó lưu giữ những giá trị to lớn về lịch sử, tinh thần, văn hóa nghìn năm của dân tộc.
Trong ngôi nhà nhỏ của ông Trần Thái Bình (SN 1973) ở phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An, hiện có hơn 5.000 hiện vật cổ xưa. Nổi bật là bộ tượng cổ với 200 pho tượng mạ vàng, ngọc, gỗ, đồng, đá sa thạch... liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng như Phật giáo, Hin Đu giáo… thuộc văn hóa Việt Nam và Chăm Pa.
Đây là bức tượng Phật ngọc mạ vàng mà theo ông Bình, hiện chưa có cái thứ hai. Bức tượng làm từ ngọc, mạ vàng, được tìm thấy trong hang đá tại huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An) được xác định có niên đại khoảng 300 năm.
“Bức tượng Phật ngọc mạ vàng nặng 8 kg được tìm thấy trong hang đá vào giữa năm 2023. Đây thuộc loại cổ vật cất giấu, tức là chủ nhân của nó đã mang vào các hang đá hẻo lánh trong rừng sâu để cất giữ, tránh bị thất lạc”, ông Bình chia sẻ.
Bức tượng Phật được tạo tác từ ngọc có màu xanh lục, mạ bên ngoài một lớp vàng, đường nét tinh xảo. Theo chứng thư giám định đá quý của Viện nghiên cứu đá quý và vàng VINAGEMS, đây là Serpentine tự nhiên, trọng lượng 3,65 kg. “Với giá trị về văn hóa, lịch sử của món cổ vật này, tôi đang có kế hoạch làm hồ sơ đề nghị công nhận bức tượng Phật ngọc mạ vàng này là bảo vật quốc gia”, ông Bình cho hay.
Bức tượng Quan Âm Chuẩn đề, cao 107 cm, nặng 60 kg, chất liệu gỗ, có niên đại trên dưới 200 năm.
Bức tượng Tứ Diện Thần bằng đồng mạ vàng, cao 50 cm, nặng 10 kg, có niên đại khoảng 150 năm. Bốn khuôn mặt Phật tính từ mặt chính diện theo chiều kim đồng hồ, mang ý nghĩa biểu tượng cao quý của lòng tốt - nhân từ - cảm thông - công bằng (từ - bi - hỉ - xả).
Mỗi khuôn mặt của tượng có đầy đủ mắt, tai, mũi, miệng, với tổng thể 8 cánh tay, mỗi tay đều cầm một pháp khí mang ý nghĩa cụ thể riêng.
Hai bức tượng Phật A Di Đà, chất liệu gỗ, có niên đại khoảng 200 năm.
Bộ sưu tập chuông bằng nhiều chất liệu, trong đó phổ biến là đồng, có niên đại từ 100 năm đến 1.000 năm.
Với ông Bình, việc sưu tầm các hiện vật cổ xưa không chỉ thỏa mãn niềm đam mê của bản thân về cổ vật, mà qua đó lưu giữ những giá trị to lớn về lịch sử, tinh thần, văn hóa nghìn năm của dân tộc. "Trong tương lai, tôi có dự định xây một nhà trưng bày để giới thiệu và là nơi trao đổi kinh nghiệm của những người đam mê, tâm huyết đối với cổ vật", ông Bình tâm sự.
Trước đó, ngày 6/1, Liên minh kỷ lục thế giới - Trung ương Hội kỷ lục Việt Nam, Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận xác lập kỷ lục đối với ông Bình (thứ 4 từ phải sang) nhờ bộ sưu tập với hơn 5.000 hiện vật cổ xưa, đa dạng chủng loại và chất liệu góp phần bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Việt Nam".