Xung đột ở Syria bắt đầu nổ ra khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad mạnh tay với người biểu tình đối lập vào tháng 3/2011, và dần biến thành cuộc nội chiến đẫm máu.
Trong khoảng 3 năm, giao tranh giữa quân chính phủ Syria và các tổ chức đối lập khiến 190.000 bị chết. Gần nửa dân số Syria rơi vào cảnh mất nhà cửa, theo UNHCR. Trong số này, chiếm lượng lớn là phụ nữ và trẻ em. Tổng cộng, khoảng 6,5 triệu người Syria bị mất nhà cửa.
Người dân Syria tránh bom đạn chiến tranh bằng cách chạy sang các nước láng giềng như Lebanon (1.175.504 người), Thổ Nhĩ Kỳ (832.508 người), Jordan (613.252 người), Iraq (215.369 người)…
Theo Liên Hợp Quốc, hành trình tị nạn của người Syria ngày càng trở nên khó khăn. Nhiều người buộc phải chi tiền cho các băng đảng tội phạm và các tổ chức vũ trang.
IS đẩy xung đột Syria lên tầm mới
Diễn biến xung đột ở Syria ngày càng xấu đi khi gần đây có thêm sự xuất hiện của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS). IS hiện kiểm soát một diện tích lớn ở Iraq và Syria, liên tục mở các đợt tấn công tại 2 quốc gia này.
Các tay súng IS cũng được biết đến vô cùng tạn bạo, trừng phạt khắc nghiệt những người chống đối.
Phó trưởng cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc, Kyung-wa Kang cho biết, sự tham chiến của IS đã đẩy xung đột ở Syria lên mức mới, trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, phương Tây đã không tìm được giải pháp cho tình hình hiện nay ở Syria.