Theo thống kê cụ thể của Bộ GD&ĐT, có 57 trường tỉ lệ nhập học từ 90% trở lên; có 74 trường tỉ lệ nhập học từ 70% đến cận 90%; có 65 trường tỉ lệ nhập học từ 50% đến cận 70%.
Bộ GD&ĐT cho biết, đến nay vẫn còn một số thí sinh khẳng định nhập học bằng cách gửi giấy báo kết quả thi qua đường bưu điện, một số trường chưa cập nhật hết số thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống nên con số thống kê sẽ còn tăng nhẹ trong vài ngày tới.
Theo kế hoạch đến hết ngày 12/8 quá trình cập nhật thí sinh khẳng định nhập học kết thúc. Bộ GD&ĐT dự báo đợt 1 các trường sẽ tuyển được khoảng 80% tổng chỉ tiêu.
Trường ĐH Giao thông vận tải thông tin, hiện tại còn thiếu khoảng 300 chỉ tiêu. Lãnh đạo nhà trường này cho biết, nhiều thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 nhưng không xác định nhập học. Nhà trường gọi điện thoại cho 70 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng các em đều trả lời không đi học.
Trường ĐH Xây dựng, hiện nay đã có 89% thí sinh đến nhập học, trường còn thiếu khoảng 300 sinh viên mới đủ chỉ tiêu. Nhà trường đã gọi điện cho từng thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng không đến nhập học, các em trả lời với nhiều lý do và chủ yếu nói không có nhu cầu học.
Tại trường ĐH Thủy Lợi, hiện tại tuyển được 81% trong đợt xét tuyển 1 và cũng còn thiếu khoảng hơn 200 thí sinh. Nhà trường cũng đã gọi điện thì một số em cũng nói không đi học và học trường khác.
Có trường chỉ 1-2 thí sinh nhập học
Trường ĐH Công nghiệp Vinh có 114 thí sinh trúng tuyển trên tổng 275 chỉ tiêu. Thế nhưng, tới cuối ngày 7/8, cũng chỉ có 2 thí sinh nhập học.
Ngày 7/8, trường ĐH Kinh Bắc xác định được 434 em nhập học hệ đại học chính quy đợt 1 trên tổng số 1500 chỉ tiêu.
Tương tự, nhiều trường đại học địa phương cũng rơi vào tình trạng gọi hàng trăm thí sinh nhưng chỉ chưa tới 10 thí sinh tới xác nhận nhập học.
Nhiều trường ngỡ ngàng vì thí sinh "mất tích"
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, hầu hết các trường đều hài lòng về kết quả xét tuyển của trường mình, quyền tự chủ tuyển sinh của trường được đảm bảo. Kết quả là ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên đã có 170/322 trường đạt được chỉ tiêu tuyển sinh.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD&ĐT đến 12h ngày 8/8, có 57 trường tỉ lệ nhập học từ 90% trở lên; có 74 trường tỉ lệ nhập học từ 70% đến cận 90%; có 65 trường tỉ lệ nhập học từ 50% đến cận 70%.
Trong khi đó, nhiều trường thiếu quá nhiều chỉ tiêu và tức tốc công bố tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu.
Vậy, 110.000 thí sinh được xác định là trúng tuyển đi đâu?
Lí giải về hiện tượng này, Ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết, lý do thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 mà không học là do không nắm rõ nguyên tắc xét tuyển nên xếp thứ tự ưu tiên vào khả năng trúng tuyển của ngành, thay vì dựa vào sự yêu thích của ngành đó. Thí sinh nghĩ đợt 2 sẽ xét tuyển đầy đủ các ngành giống như đợt 1.
Mặt khác, do tin vào hiệu quả của phần mềm lọc "ảo" nên lời nhắc nhở "không được xét tuyển cao hơn 20% chỉ tiêu" đã được nhiều trường vận dụng. Tuy nhiên, có những yếu tố “ngoài vùng phủ sóng" mà phần mềm chưa tính đến là việc trường xét tuyển dựa vào học bạ. Một số trường công bố kết quả xét tuyển và ra điều kiện phải nộp hồ sơ nhập học hạn chót trước thời gian "lọc ảo".
Đại diện một trường ĐH khác cho biết, trường đã gọi cho tất cả các thí sinh trúng tuyển đợt 1 nhưng không nhập học và hỏi lý do thì được biết các em không nhập học vì những lý do như: Đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ ở trường khác; Không học đại học mà học cao đẳng,…
Theo TS Đàm Quang Minh, những năm gần đây, thí sinh có xu thế đa dạng hoá lựa chọn hơn là chỉ vào các trường đại học tại Việt Nam. Riêng số du học sinh sang Mỹ năm 2016 tăng tới gần 20% lên 28.000 sinh viên và hơn 27.000 du học sinh sang Úc.
Cũng theo TS Minh, bên cạnh đó rất nhiều sinh viên theo các chương trình xuất khẩu lao động, các trường cao đẳng có uy tín về việc làm và cả đi làm ngay.