Quy tắc bầu cử
Vương quốc Anh là nước quân chủ lập hiến, vì vậy cử tri sẽ chỉ đi bỏ phiếu để bầu ra nghị sĩ của địa phương mình thay vì bầu trực tiếp ra người đứng đầu nhà nước (ví dụ như Tổng thống tại Mỹ).
Tại mỗi địa phương, các cử tri chỉ được bầu cho duy nhất một ứng viên thuộc một trong số các đảng tham gia tranh cử. Ứng viên nào có số phiếu ủng hộ cao nhất sẽ giành chiến thắng. Và đảng của ứng viên đó cũng sẽ trở thành đảng chiến thắng tại địa phương ấy.
Có 650 ghế trong Quốc hội tương ứng với 650 khu vực bầu cử. Đảng nào giành chiến thắng tại hơn 323 khu vực, tương đương hơn 323 ghế sẽ trở thành đảng cầm quyền và có thể thành lập chính phủ. Lãnh đạo đảng cầm quyền thường được chọn làm Thủ tướng, tức người đứng đầu chính phủ.
Theo Reuters, Quốc hội Anh đã được chính thức giải tán vào ngày 3/5 và toàn bộ 650 ghế hiện đang bỏ trống. Thủ tướng Theresa May và nhóm các bộ trưởng vẫn tiếp tục làm việc và duy trì quyền ra quyết định.
Tuy nhiên, theo quy ước, trong thời gian này chính phủ không được phép đưa ra các quyết định quan trọng về chính sách, đưa ra các cam kết dài hạn hoặc gửi/nhận lời mời cho các cuộc gặp mang tính quốc gia.
Nếu xảy ra tình trạng khẩn cấp buộc chính phủ phải ra quyết định nhanh chóng, họ có thể tham vấn phe đối lập một cách không chính thức để đưa ra phương án tốt nhất.
Ai sẽ giành chiến thắng?
Nước Anh không có kế hoạch tiến hành bầu cử sớm cho đến năm 2020. Tuy nhiên, ngày 18/4, Thủ tướng Anh Theresa May đã bất ngờ kêu gọi tổng tuyển cử sớm vào ngày 8/6.
Theo bà May, Anh cần tiến hành tổng tuyển cử sớm vì lợi ích của đất nước, đây là cách duy nhất để đảm đảm bảo sự ổn định và vững chắc của Anh trong tiến trình nước này rời khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là Brexit.
Việc Thủ tướng Theresa May kêu gọi bầu cử sớm được cho là bước đi chiến thuật nhằm gia tăng sự ủng hộ cho chính phủ đảng Bảo thủ của bà.
Chiến thắng lớn cho đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử này sẽ giúp gia tăng số ghế của đảng Bảo thủ trong quốc hội, đảm bảo quyền lực lớn hơn cho Thủ tướng cũng như củng cố vị thế của bà trong các cuộc đàm phán về việc Anh chuẩn bị rời khỏi EU.
Hai ứng viên lớn trong cuộc bầu cử năm nay là đảng Bảo thủ do bà May làm Chủ tịch và Công đảng của ông Jeremy Corbyn.
Bà Theresa May - Chủ tịch đảng Bảo thủ trong một buổi vận động tranh cử. Ảnh: Reuters
Ông Jeremy Corbyn - lãnh đạo Công đảng vẫy hoa hồng chào những người ủng hộ. Ảnh: Reuters
Trước đây, đảng Bảo thủ của bà May được cho là có khả năng cao giành chiến thắng. Nhưng càng gần ngày bầu cử, tỉ lệ cử tri ủng hộ đảng Bảo thủ càng giảm, và Công đảng dần rút ngắn khoảng cách. Khảo sát của hãng Survation tại Anh cho thấy, đảng Bảo thủ chỉ dẫn trước Công đảng 1% điểm.
Vai trò của Nữ hoàng Elizabeth
Trên lý thuyết Nữ hoàng Elizabeth II có quyền lực rất lớn. Bà có thể miễn nhiệm và bổ nhiệm Thủ tướng. Tuy nhiên trên thực tế, quyền lực này không còn được thực hiện kể từ năm 1834.
Theo quy ước, Nữ hoàng Anh ít tham gia trực tiếp quyền hành pháp và vẫn trung lập trong các vấn đề chính trị. Việc thành lập chính phủ mới thường do các đảng phái tự quyết với nhau.
Quá trình bầu cử
Theo Reuters, các điểm bỏ phiếu sẽ mở cửa từ 7h sáng 8/6 (giờ địa phương, tương đương 13h ngày 8/6 giờ Việt Nam) và đóng của vào lúc 22h. Việc bỏ phiếu là không bắt buộc.
Biển chỉ dẫn điểm bỏ phiếu đã được treo lên trong ngày 7/6. Ảnh: Reuters
Kết quả sơ bộ thường được công bố sau khoảng 1 tiếng đồng hồ kiểm phiếu.
Khoảng 3h đến 5h sáng 9/5 (giờ địa phương), các công dân Anh sẽ biết đảng nào giành chiến thắng.
Đến khoảng 6h30’ sáng, các đảng không giành chiến thắng sẽ tuyên bố thua cuộc và đảng giành chiến thắng sẽ tuyên bố thắng cuộc.