Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thị trường xuất khẩu lao động đang trở nên sôi động, đặc biệt là thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức…khi thông báo sẽ cần hàng chục ngàn nhu cầu việc làm mỗi năm.
Cụ thể, theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 5 tháng đầu năm 2018 có hơn 48.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Riêng thị trường Nhật Bản, 5 tháng đầu năm có khoảng 17.400 lao động Việt Nam được đưa sang làm việc, chiếm hơn 35% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mức lương của người lao động đi Nhật làm việc khá cao, sau khi trừ chi phí, thu nhập hàng tháng của một người lao động còn khoảng 800- 1.000 đô la Mỹ, nếu tính từ các khoản làm thêm, thu nhập có thể dao động từ 1.500 đến 2.000 đô la Mỹ.
Với mức thu nhập trên, nhiều lao động sau khi về nước đã có cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó, người lao động còn có cơ hội làm việc với các công ty nước ngoài với ngành nghề phù hợp và mức lương cao nhờ kinh nghiệm và chứng chỉ có được trong thời gian xuất khẩu lao động…
Mặc khác, với các trường ĐH- CĐ- TC, hiện nhiều trường cũng đã liên kết, hợp tác với các công ty XKLĐ để giải quyết đầu ra bằng cách phái cử thực tập sinh hoặc XKLĐ... Với hình thức này, sinh viên ngay khi ra trường có thể ra nước ngoài tiếp tục học tập và làm việc ở môi trường chuyên nghiệp, nâng cao tay nghề... Khi trở về nước, họ là nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ hội tụ các yếu tố về ngoại ngữ, tay nghề, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, có kinh nghiệm quản lý... mở ra một cơ hội mới cho bản thân cũng như phục vụ cho xã hội.
Do đó, đối tượng xuất khẩu lao động ngày càng được mở rộng không chỉ lao động phổ thông, những người dân vùng quê nghèo mà kể những người trí thức, có trình độ ĐH- CĐ, gia cảnh khá giả ở khu vực thành phố cũng tham gia “xuất ngoại”. Đặc biệt, trong năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH có đề xây dựng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025” để trình Chính phủ.
Tuy nhiên, để đi xuất khẩu lao động cũng là một vấn đề nan giải với người lao động do liên quan đến kinh tế, vay vốn ngân hàng, vấp phải lừa đảo… Và thực tế, không ít trường hợp “dở khóc dở cười”, mang nợ vào thân do vấp phải những công ty có lừa đảo hoặc người lao động vi phạm pháp luật, bỏ trốn, chuyển đổi công việc khiến tình trạng xuất khẩu lao động chung của cả nước bị ảnh hưởng…
Trước thực tế này, Báo Tiền Phong- Cơ quan T.Ư của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, là diễn đàn của giới trẻ cả nước tổ chức hội “Giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc nước ngoài” để cùng Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ LĐ- TB&XH, các chuyên gia, các công ty xuất khẩu lao động, các ngân hàng bàn bạc giải pháp cũng như các vấn đề liên quan để xuất khẩu lao động.
Hội thảo dự kiến sẽ diễn ra tại Trường ĐH Văn Hiến, số 613 Âu Cơ, Phường Phú Trung, Quận Tận Phú, TPHCM. Tham dự hội thảo sẽ có các diễn giả đến từ Tổng cục giáo dục nghề nghiệp; Cục quản lý Lao động ngoài nước; đại diện lãnh đạo Hệ thông giáo dục Hùng Hậu; Công ty TNHH Dịch vụ Quốc tế Sài Gòn; trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM; Công ty TNHH Nhật Huy Khang cùng lãnh đạo sở ngành; lãnh đạo các trường ĐH, CĐ, TC, THPT; báo chí; người lao động, sinh viên, học sinh…