Hội nhà sư Myanmar phản đối chính quyền quân sự

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà sư Myanmar xuống đường biểu tình phản đối kể từ sau cuộc đảo chính đầu tháng 2
Nhiều nhà sư Myanmar xuống đường biểu tình phản đối kể từ sau cuộc đảo chính đầu tháng 2
TP - Hội các nhà sư Myanmar vừa lên tiếng kêu gọi chính quyền quân đội chấm dứt dùng bạo lực với người biểu tình và đổ lỗi cho các nhóm vũ trang nhỏ gây ra các vụ tra tấn và giết hại dân thường vô tội, báo chí Myanmar đưa tin ngày 17/3. 

Tổ chức đại diện cho các nhà sư Myanmar nói trong dự thảo tuyên bố rằng, các thành viên của họ sẽ dừng mọi hoạt động tôn giáo để phản đối quân đội. Ủy ban Sangha Maha Nayaka Nhà nước dự kiến sẽ ra tuyên bố cuối cùng sau khi tham vấn bộ trưởng tôn giáo trong ngày hôm nay, cổng thông tin Myanmar Now đưa tin.

Giới sư sãi Myanmar có truyền thống tham gia các cuộc đấu tranh chính trị và từng đi đầu trong “Cách mạng hoa nghệ tây” hồi năm 2007 để chống chế độ quân sự. Cuộc nổi dậy đó dù bị đàn áp nhưng đã giúp mở ra giai đoạn mới của cải cách dân chủ.

Tuyên bố trên đánh dấu sự chia rẽ đáng kể giữa tổ chức tôn giáo lớn nhất của Myanmar với chính quyền, dù lực lượng này có truyền thống hợp tác chặt chẽ với chính phủ.

Đã có hơn 180 người biểu tình thiệt mạng từ khi các lực lượng an ninh mạnh tay dập tắt phong trào nổi dậy phản đối cuộc đảo chính và chính quyền quân đội, Hiệp hội hỗ trợ các tù nhân chính trị nói.

Người biểu tình ở Yangon đối đầu với lực lượng an ninh bằng những bao tải cát chất trên phố. Theo một video được đưa lên mạng xã hội, cảnh sát liên tục nổ súng vào một người đàn ông, Reuters đưa tin. Vài trăm người khác biểu tình ở thị xã Demoso ở miền đông, thành phố Pathein ở vùng châu thổ sông Irrawaddy và thành phố Dawei ở miền nam. Tình trạng ngắt sóng internet hoàn toàn khiến người biểu tình khó liên lạc với nhau và thẩm định thông tin. Rất ít người ở Myanmar được dùng wifi.

“Chúng tôi phải dùng những cách cũ để liên lạc”, Chit Chit Win, thành viên một nhóm biểu tình toàn phụ nữ, nói với Reuters từ Dawei. “Chúng tôi bảo mọi người giải tán khi nào có lực lượng an ninh để nhằm tránh đối đầu nhưng vẫn làm những gì mình có thể”, cô nói.

Một nhóm điều tra viên của Liên Hợp Quốc ở Myanmar kêu gọi người dân thu thập và lưu giữ bằng chứng về những hành động của quân đội nhằm chuẩn bị cho vụ án chống lại các lãnh đạo quân đội nước này.

Nhiều khu vực của Yangon đang bị áp thiết quân luật và hàng ngàn người đã chạy khỏi khu công nghiệp Hlaingthaya, nơi 40 người bị bắn chết hồi cuối tuần qua và các nhà máy có vốn đầu tư của Trung Quốc bị đốt phá.

MỚI - NÓNG