Hối lộ tình dục

TPO - Ở một cơ quan giữa lòng Hà Nội, có gã lãnh đạo máu gái, phàm tục và ki bo. Xấu đẹp, già trẻ, có chồng hay độc thân, gã bất chấp, có cơ hội là chuyển thành bàn thắng. Mà gã không cho tiền, tặng quà, hoặc rót vào tai những lời có cánh.

Gã cho đi nước ngoài bằng kinh phí nhà nước. Tất nhiên là đi cùng gã. Nếu “ngoan” thì sau chuyến du lịch miễn phí, khi về nước, sẽ được xếp vào những vị trí nhàn nhã, cơ hội tiến thân nhanh. Còn nếu “bướng” thì sau chuyến đi đó, gã đì cho bằng chết. “Gã từng gạ em” - một nữ nhân viên xinh xắn kể - “Em suýt tát vào mặt gã. Trong cơ quan, ai ngủ với gã bọn em biết tất. Nhưng có những người gã chẳng làm được gì cũng bị mang tiếng. Bọn em ức nhất chuyện đó”.

Trong một hội thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, người ta có bàn đến chuyện này (hối lộ tình dục). Theo quy định của bộ luật hiện hành, hối lộ phải là vật chất. Cho nhau vật chất, hoặc hứa hẹn, vòi vĩnh sẽ cho nhau vật chất. Đổi lại, kẻ có chức quyền sẽ làm hoặc không làm những việc nhằm có lợi cho kẻ biếu quà. Quy định này xem ra đã lỗi thời. Một vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói với người viết bài này: Bây giờ người ta mò đến kẻ có chức quyền biếu quà, biếu gái, mà chẳng yêu cầu phải đổi lại bằng việc gì cụ thể cả. Cứ automatic (tự động) thế thôi. Rồi đến một ngày đẹp trời, họ đến “chào bác”, tiện thể nhờ một việc nào đó. Tất nhiên sẽ được ưu ái, theo kiểu automatic. Không hứa hẹn, không đổi chác, pháp luật không xử lý được.

Hối lộ tình dục, xem ra càng khó xử lý hơn. “Quà” là cái gì, khó nói lắm. Cho nhau kiểu gì, cũng khó nói lắm. Hối lộ tình dục vừa vi phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật. Về mặt đạo đức, cần có những bộ quy tắc phù hợp từng nghề nghiệp, từng cơ quan, nhằm khơi gợi tự trọng ở mỗi người, hạn chế nạn quấy rối. Chẳng hạn, bộ quy tắc nghề nghiệp luật sư Việt Nam có quy định luật sư không được “Lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng làm ảnh hưởng tới danh dự luật sư và nghề luật sư”.

Quan trọng hơn, cần có quy định trong luật hình sự. Kẻ đưa hối lộ tình dục thường được bổ nhiệm, cất nhắc vào những vị trí không xứng đáng. Phương tiện, công cụ phạm tội dẫu không tiêu hủy được, nhưng cái vị trí không xứng đáng thì cần tước bỏ. Kẻ nhận hối lộ tình dục đáng trách hơn. Những thứ họ ban phát cho người tình nếu là tài sản công thì phải truy thu, nếu là chức tước, bổng lộc thì cần tước bỏ.

Chứng cứ để chứng minh loại tội phạm này, thiết nghĩ không quá khó thu thập. Chẳng hạn, chuyện thẩm phán sáng tuyên án, chiều vào nhà nghỉ với đương sự. Hãy đi từ bản án buổi sáng. Nếu phát hiện ra sai phạm trong việc xét xử, ngoài chuyện kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm khắc phục, hãy cộng thêm hành vi “vào nhà nghỉ” mà định ra hình phạt cho thẩm phán có hành vi sai trái. Làm thế, mới răn đe được cả kẻ đưa và kẻ nhận hối lộ tình dục.

MỚI - NÓNG