Hội Lim: Trăn trở hơn 'ngả nón xin tiền'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chuyến buýt số 54 từ Ô Quan Chưởng (Hà Nội) tới thị trấn Lim sáng 3/2 không còn cả chỗ đứng. Hành khách chủ yếu ở độ tuổi 60-70, đều chung một đích đến: Hội Lim. Không hiếm người đi một mình, đi chỉ để thưởng hội. Nhưng cũng có người đến để thỏa mãn ước mong: đứng chung sân khấu cùng các liền anh liền chị.

Chị Nguyễn Thị Huệ, 58 tuổi ở Sóc Sơn (Hà Nội) xác định đến hội Lim để hát. Tôi bắt gặp chị và nhóm bạn hăng say hát những ca khúc mang âm hưởng quan họ ở hơn một quầy hát trên đồi Lim. Có những điểm âm thanh tốt hơn nên nhiều người đăng ký, khiến các chị phải đợi cả tiếng mới được cầm micro.

Để được hát bằng nhạc nền thu sẵn (karaoke) hoặc với đàn organ, chị cho hay phải “đăng ký” với mỗi quầy ít nhất 50 ngàn đồng. Nhưng với chị không thành vấn đề, nếu cảm thấy thích chị còn tặng thêm cho BTC cũng như cho các liền anh liền chị hát hay. Tôi chứng kiến khán giả thi nhau ấn mấy tờ 10-20 ngàn đồng vào tay mấy ca sĩ nhí đang trình diễn bài Mười nhớ cùng nhạc đệm.

Hội Lim: Trăn trở hơn 'ngả nón xin tiền' ảnh 1

Chị Huệ và nhóm bạn đến với hội Lim để được làm “ca sĩ”. Ảnh: N.M.HÀ

Việc “quan họ ngửa nón xin tiền” bị cấm nhưng vẫn có thể thấy du khách đưa trực tiếp cho các liền chị trên thuyền rồng, liền chị gửi lại miếng trầu hoặc có khi dùng bó hoa để “hứng” tiền thưởng. Không ai có thể nói quan họ xin tiền vì rõ ràng khán giả chủ động. Như chị Huệ sẵn sàng tiêu tiền triệu cho một ngày chơi hội Lim mà không tiếc. Vì chỉ hội Lim mới tạo sân khấu cho khán giả lên trổ tài ca hát.

Trên đồi Lim phải có đến hai chục quầy hát. Quầy nào cũng bật tăng âm to hết cỡ. Nhưng lạ cái là ở quầy nào, du khách vẫn có thể tập trung nghe hát tại quầy đó. Âm thanh không đến nỗi cãi nhau. Nhưng dù sao âm lượng chung vẫn to một cách không cần thiết. Hát làm sao người ta phải lắng tai nghe chắc đúng tinh thần quan họ hơn.

Là chủ nhiệm CLB Quan họ làng Lũng Giang, ông Nguyễn Hữu Viêm, 66 tuổi có vô số đầu việc phải lo lắng trong những ngày này. Là trung tâm của hội Lim nên làng Lũng Giang không chỉ tổ chức hai ngày hội vào 12-13 tháng Giêng mà còn thêm cả ngày 14. Tôi gặp ông tại Nhà chứa số 2 (mới xây khang trang như một ngôi đình thu nhỏ) kề bên hồ Vân Tương. Đây là chỗ sinh hoạt hằng tháng và tổ chức các canh hát riêng của CLB Lũng Giang.

Hôm nay ông túc trực ở đây chỉ đạo công việc qua điện thoại: Lúc nào hết trầu dưới thuyền phải bổ sung, phân công người về ăn cơm, người ra hát. Có khi chính Phó chủ nhiệm CLB, tức Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hữu Thoa 71 tuổi đóng vai chèo thuyền.

Hội Lim: Trăn trở hơn 'ngả nón xin tiền' ảnh 2

Phổ biến việc du khách tặng tiền cho người quan họ tại hội Lim. Ảnh: TRỌNG QUÂN

Nhân dịp Bí thư huyện ủy Tiên Du Nguyễn Tiến Tài ghé thăm, ông Thoa nhắc lại nguyện vọng của cố nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế về việc thành lập một “hội” các nghệ nhân của huyện Tiên Du. Ước tính huyện hiện có khoảng 40 nghệ nhân thuộc 9 làng quan họ gốc. Nếu huyện nhất trí và đứng ra thành lập thì đây là CLB nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Các làng quan họ (chia ra “quan họ gốc” và “quan họ thực hành”) thường chỉ có 2 dạng CLB của các liền anh liền chị lớn tuổi và lớp măng non.

Ông Viêm tâm sự: “Phong trào quan họ của làng đang phát triển rất mạnh. Các liền anh liền chị mang tinh thần chơi quan họ không biết mệt. Nhưng thế hệ kế cận đang thiếu. Tôi chỉ trăn trở mỗi cái đấy. Lâu nay CLB không có thành viên bổ sung. Lớp trẻ nhất cũng ở lứa tuổi 50-55 rồi”. Ông Viêm đang hy vọng, thời gian tới sẽ kết hợp với các trường tiểu học trong thị trấn để đưa nghệ nhân vào truyền dạy quan họ cho học sinh.

“Người quan họ cho đi, được mọi người đón nhận và trả lại bằng hình thức nào đó, quan họ không bao giờ đi xin tiền. Mình gọi là tặng hoa cho văn hóa. Còn cách thức thế nào chúng ta chắc còn phải bàn và nghiên cứu”, nghệ nhân Nguyễn Hữu Viêm (Lũng Giang) nói với tôi. Nhưng nói chung chẳng có gì hợp lý bằng thực hành cho nhận trực tiếp vẫn đang diễn ra trong thực tế, cho dù có dùng nón ba tầm hay không.

Điểm khác biệt là CLB của làng quan họ gốc được hỗ trợ mỗi năm 30 triệu đồng để hoạt động, còn bên quan họ thực hành được 20 triệu đồng. Chỉ đến 2019, làng Lộ Bao mới nhận được số tiền hỗ trợ này.

Bà Nguyễn Thị Hoàn, thầy dạy quan họ và là Chủ nhiệm CLB Măng non của làng cho hay, số tiền này dành để sắm loa đài, mua khăn áo trang phục biểu diễn cho cả hai CLB. Việc truyền dạy của bà vẫn hoàn toàn phi lợi nhuận.

Bà Hoàn từng đoạt HCB trong cuộc thi Tiếng hát Dân ca toàn quốc 1979 và được đoàn quan họ tỉnh mời về làm diễn viên nhưng nghe lời mẹ, bà vẫn ở làng làm ruộng. Có những khi nhổ mạ xong xuôi chuẩn bị cấy, các cháu trong làng báo chiều được nghỉ học. Bà lại bỏ mạ đấy tranh thủ về dạy các cháu hát, tối mới lại cấy tiếp.

Nhớ lại thời trẻ, bà nói: “Tôi không tiếc vì nếu đi theo con đường chuyên nghiệp, chưa chắc tôi đã truyền dạy cho nhiều lớp thanh thiếu niên như bây giờ. Tính từ khoảng 1974, tôi phải dạy cho hàng nghìn lượt người”.

Bà tự hào khi nhiều học trò cũ nay là kỹ sư, bác sĩ, luật sư lập nghiệp phương xa nhưng vẫn về hát thuyền rồng trong ngày hội làng: “Tôi không hướng cho các con đi làm diễn viên, chỉ muốn truyền cho các con những câu hát để đi đâu cũng mang theo quê hương trong mình”.

Theo bà Hoàn, việc Lộ Bao không được coi là làng quan họ gốc là do… các nhà nghiên cứu: “Nếu họ nghiên cứu sâu hơn nữa, chúng tôi không phải không có chỗ đứng trong làng quan họ đâu”.

Bà Hoàn cho biết, năm 2008 duy nhất cả tỉnh Bắc Ninh chỉ Lộ Bao là có lớp học quan họ dành cho thanh thiếu niên. Có lần Trung ương Đoàn đưa đại diện 63 tỉnh thành về giao lưu với lớp học của bà. Có lẽ chính sự “chạnh lòng” khi không được thừa nhận là “quan họ gốc” lại khiến cho việc dạy và học quan họ phát triển mạnh ở Lộ Bao.

MỚI - NÓNG