Hội chứng sợ sai

TP - Thời gian qua, trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, thì ở một số nơi, một số chỗ lại xuất hiện tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, dẫn đến thẩm quyền được trao nhưng lại không dám quyết, dám làm.Từ việc nhỏ, đến việc lớn đều phải xin ý kiến tập thể, ý kiến cấp trên rồi cấp trên lại có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành và Chính phủ . 

Thành thử có rất nhiều việc thuộc thẩm quyền trách nhiệm của địa phương nhưng lại đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Trong báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020, Văn phòng Chính phủ lưu ý các bộ, ngành, địa phương về tình trạng, công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền nhưng không dám làm, thiếu quyết liệt, né tránh, thậm chí đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tương tự ở các địa phương, cũng có xu hướng đẩy việc lên cấp trên, xã đẩy lên huyện, huyện đẩy lên tỉnh, lên thành phố. Đơn cử tại Hà Nội (ngày 10/11) mới đây, HĐND thành phố đã chính thức “bác” 5 dự án xây dựng đường giao thông do thành phố trình ra. Lý do đây là những dự án thuộc thẩm quyền của cấp huyện nên trách nhiệm quyết định đầu tư và quản lý thuộc thẩm quyền cấp huyện. Hay việc Hà Nội "tắc" thanh toán cho các dịch vụ công ích trong khi tiền ngân sách đã được phân bổ. Cùng một cơ chế, trong khi TPHCM thực hiện được còn tại Hà Nội không ai dám quyết.

Điều này cho thấy, tâm lý sợ sai, muốn an toàn nên đẩy việc ra tập thể, lên cấp trên còn tồn tại ở không ít các cơ quan, đơn vị…

Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền từ Trung ương cho địa phương thời gian qua là một xu thế đúng, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nâng cao tính năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương trong quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế, xã hội trên địa bàn. Qua đó, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc mà người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đặt ra, như cấp giấy phép đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, chống ùn tắc giao thông, xử lý thu gom rác thải… Đặc biệt, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền còn có ý nghĩa rất lớn trong việc xóa bỏ cơ chế xin – cho, tránh tình trạng địa phương rồng rắn “gánh” hồ sơ về Hà Nội, rồi “xếp hàng” để đợi bộ, ngành thẩm định, phê duyệt, cấp phép …

Cũng vì ý nghĩa quan trọng đó nên trong thời gian qua, khi sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, bộ máy, hoạt động sản xuất kinh doanh, cấp phép đầu tư, xây dựng… việc phân cấp, phân quyền được Quốc hội đặc biệt chú trọng. Về cơ bản, các quy định của pháp luật được ban hành trong thời gian qua đều xu có hướng phân cấp, phân quyền mạnh về cho các địa phương nhằm đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn.

Tuy nhiên, sau phân cấp, phân quyền những việc trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm được giao của bộ, ngành, địa phương vẫn bị đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng thì ý nghĩa của phân cấp, phân quyền sẽ chẳng còn nhiều. Thẩm quyền luôn phải đi liền với trách nhiệm. Cho nên, đối với những lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, có tâm lý sợ sai, không dám quyết, dám làm những nhiệm vụ thuộc phạm vi quyền hạn của mình, cần bị đánh giá “tín nhiệm thấp” để nhường ghế cho những người thực sự có năng lực và trách nhiệm. 

MỚI - NÓNG
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm
TPO - Giá vàng hôm nay (7/10) giảm khi giới đầu tư giảm kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất vào tháng 11. Thị trường chờ đợi dữ liệu lạm phát và bình luận từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để có thêm tín hiệu.