Hội An ngày ngập lụt

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc Phố cổ Hội An - Di tích Văn hóa thế giới chìm trong nước lụt có thể là “nếp” thường với nhiều người dân ở đây. Thậm chí, người Hội An còn khai thác “tua du lịch lũ lụt”. Thế nhưng, nhiều du khách vẫn bàng hoàng khi những căn nhà cổ ngập trong nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.

Phố cổ xơ xác trong bão

Bão Noru (bão số 4) quét qua địa bàn Quảng Nam. Phố cổ Hội An xác xơ. Nhiều tuyến phố, cây cối đổ rạp, ngổn ngang. Bão vừa qua, nước thượng nguồn sông Thu Bồn lại cuồn cuộn chảy về, mỗi lúc một xiết và ngày càng dâng cao. Rác từ khắp nơi theo dòng nước lũ tràn vào thành phố, mắc lại trên các thành cầu. Phố Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học… ngập băng.

Nhiều căn nhà cổ chìm sâu hàng mét. Cảnh tượng này diễn ra hằng năm, vào mỗi mùa lũ, như một “đặc sản”, khiến nhiều doanh nghiệp biến thành điểm nhấn của du lịch. Nhưng, điều đó cũng khiến những người bị mắc kẹt lần đầu không ít lo lắng. Chiều 28/9, chứng kiến cảnh rác tràn ngập phố, nhiều du khách nước ngoài đã không ngại lũ xiết, cùng nhau ra sức dọn rác, làm sạch, khơi thông dòng chảy.

Hội An ngày ngập lụt ảnh 1

Những ngôi nhà cổ kiên cường qua bão lũ và du khách chung tay bảo vệ Hội An

24h sau bão đi qua, cây cối trên đường đã được dọn dẹp. Nước trên các tuyến phố bắt đầu rút để lại lớp bùn non. Sáng sớm, người dân trong khu phố cổ đã chủ động dẫn ống nước, dùng chổi quét, rửa đường phố. Thấy thế, anh Solab, du khách người Pakistan cũng xắn tay vào cầm chổi quét đường, khơi thông cống rãnh. Thấy thế, nhiều người bạn anh (có cả phụ nữ) cũng tham gia.

“Lần đầu tiên tôi trải qua một cơn bão lớn như vậy. Tôi đã đến và yêu đất nước, con người Việt Nam. Chúng tôi muốn góp một chút sức để giúp cho thành phố quay trở lại đẹp như cũ”, anh Solab nói và cho biết, anh và bạn của mình đang cùng kinh doanh tại Hội An. Anh Solab lo lắng, mỗi năm có nhiều cơn bão mạnh, rồi ngập lụt, những căn nhà trăm tuổi sẽ khó trụ vững.

Hội An ngày ngập lụt ảnh 2

Gần đó, ông Tăng Hà Ái (60 tuổi), người thừa kế đời thứ 9 ngôi nhà cổ ở số 115, đường Nguyễn Thái Học cùng người em đang phụt rửa, quét dọn bùn đất trên nền nhà. Vợ ông đang dắt từng chiếc xe cổ ra trưng bày. Phía trong, vải vóc, hàng lưu niệm đã được hạ xuống, chuẩn bị bày bán. Bão tan, ông Ái thở phào nhẹ nhõm vì căn nhà cấu kiện bằng gỗ, lợp ngói âm dương hơn hai trăm tuổi của gia đình vẫn đứng vững.

Nhà ở ngay cạnh sông Hoài, nên mỗi mùa mưa bão ông Ái đã quen với “nếp” dọn đồ tránh bão, lũ. Cứ nghe chính quyền thông báo lũ cấp độ nào là các gia đình ráp với phương án dọn đồ nhà mình. “Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc Trung Hoa, trải qua hàng trăm năm vẫn còn chắc chắn lắm. Ngập như này ăn thua gì, có những năm ngập lút người đấy”, ông Ái nói và cho biết, nếu biến đổi khí hậu, bão mạnh, ngập lâu thì sẽ rất nguy hiểm cho ngôi nhà.

Mong manh bảo tồn

Mời chúng tôi vào tham quan căn nhà, ông Ái cho biết, ngay cả bản thân cũng không biết chính xác căn nhà khởi nguồn từ thời điểm nào nhưng được thành phố Hội An xếp hạng di tích loại 1. Theo lời ông Ái, căn nhà được xây theo kiến trúc Trung Hoa, 4 gian nhà quay mặt vào nhau, ở giữa là giếng trời. Gian nhà phía phố Bạch Đằng, giáp sông tiện lợi để xuất, nhập hàng hóa, còn gian phía Nguyễn Thái Học là để trưng bày, bán sản phẩm và sinh hoạt, hai bên là hai lối đi khi trời mưa. Khung nhà được lắp ghép với nhau bằng mộng gỗ. Các chân cột làm bằng đá cẩm thạch; tường được xây bằng gạch; ngói lợp đặc biệt dày. Thiết kế này giữ cho ngôi nhà mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông.

“Các di tích trong khu phố cổ hầu như không có thiệt hại sau trận bão, lụt vừa rồi. Các công trình trong di sản được xây dựng bằng các vật liệu bền, kết cấu xây dựng theo kiểu truyền thống, vững chắc, nương tựa vào nhau thành một khối nên vẫn bảo tồn được qua nhiều trận lũ, bão” Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết.

Ông Ái lý giải, toàn bộ căn nhà khi xây dựng chủ yếu dùng gỗ lim rừng và gỗ kiền kiền. Theo ông Ái, đây là hai loại gỗ được xếp vào hàng “thiết mộc” (gỗ cứng như sắt - PV). Có thể vì thế, nên mỗi khi lụt, gỗ ngâm nước 2 - 3 ngày không bị ảnh hưởng gì. Hoặc nhờ ngâm nước, mối, mọt, chuột bọ vì thế cũng bỏ đi. Hơn nữa, vì vừa sử dụng để ở và buôn bán, được lau chùi thường xuyên nên các bộ phận gỗ, tường… được lau dọn, giữ gìn thường xuyên nên chậm xuống cấp.

Chỉ ra tấm biển ngoài cửa, ông Ái cho hay, từ khi xây dựng, đến năm 2001, căn nhà mới được trùng tu lần đầu tiên. Trên tấm biển đá trước cửa có dòng chữ “Ngôi nhà được UBND thị xã Hội An trùng tu với sự giúp đỡ về kỹ thuật và tài chính của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản”. Vì thế, khi chúng tôi đề cập đến vấn đề sửa chữa ngôi nhà, ông Ái cho biết, mỗi lần tu sửa đều phải chờ cơ quan chức năng khảo sát, cho phép rồi mới được tiến hành. Một nguyên tắc khi sửa chữa là không được thay đổi kiến trúc, không được hiện đại hóa dù có bất tiện trong sinh hoạt.

Hội An ngày ngập lụt ảnh 3

Biến nguy thành cơ, nhiều tua du lịch trải nghiệm lụt hình thành ở Hội An

“Những căn nhà trong phố cổ Hội An rất giá trị. Chính vì thế, hàng xóm tôi đã bán với giá hàng trăm tỷ để chuyển về thành phố lớn định cư. Còn như nhà tôi, hai vợ chồng sinh sống kinh doanh ở đây quen rồi. Hai con tôi đều nghỉ việc về đây buôn bán và thu nhập ổn định, khá giả. Tôi ở đây là giữ nếp cho gia đình, tổ tiên, và cùng với các di tích kiến trúc khác, để góp phần làm cho Hội An trở thành một di sản văn hoá thế giới, để Hội An mãi là “một di tích sống”, ông Ái cho hay.

Tại Hội An có gần 1.400 di tích, trong đó tập trung nhiều nhất là khu phố cổ với 1.142 di tích. Các di tích trong khu phố cổ phân bổ với mật độ dày đặc, với vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ. Đặc biệt, quần thể khu phố cổ là một bảo tàng sống, mỗi ngôi nhà - di tích, đều gắn liền với sinh hoạt thường ngày của người dân như: nấu ăn, thờ cúng, buôn bán. Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho hay, tình trạng ngập lụt ở Hội An sẽ ảnh hưởng đến kết cấu các căn nhà cổ. Khi đó, độ ẩm gia tăng, mối mọt xuất hiện nhanh. Qua đánh giá sơ bộ, ông Ngọc cho biết, các di tích trong khu phố cổ hầu như không có thiệt hại sau trận bão Noru vừa rồi.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).