Học sinh bỏ học, cô giáo “xôi hỏng bỏng không”

Học sinh bỏ học khiến thầy cô khốn đốn. (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân).
Học sinh bỏ học khiến thầy cô khốn đốn. (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân).
Lớp nào có học sinh bỏ học, giáo viên chủ nhiệm là người đau đầu nhất. 

LTS: Cô giáo Đỗ Quyên chia sẻ câu chuyện về việc học sinh bỏ học và nỗi lo đảm bảo chỉ tiêu của thầy cô giáo. Theo đó, thầy cô phải khổ sở nghĩ ra vô số cách để đối phó với cấp trên khi có học sinh nghỉ học.

Vừa gặp mặt, tôi đã nghe cô Hoa một giáo viên trường trung cơ sở than vãn: “Tới thời điểm này lớp mình đã có 2 em bỏ học rồi. Thế là đi tong cả năm phấn đấu”.

Có người thêm vào: “May lớp tớ chưa có ai, từ giờ đến cuối năm cầu mong đừng em nào bỏ”. 

Tiếng cô Hoa vẫn dấm dẳng vì uất ức: “Tức không chịu nỗi, sao số mình xui thế không biết. Năm ngoái 3 em bỏ học, cuối năm hạ hai bậc thi đua nên xếp loại đạt trung bình. Năm nay, vớ thêm hai đứa nữa cũng chẳng sáng sủa gì”. 

Thầy cô có đảm bảo học ra là không thất nghiệp?

Lớp nào có học sinh bỏ học, giáo viên chủ nhiệm là người đau đầu nhất. Có người nói mình đã phải cố gắng thế nào để vận động học sinh ra lớp nhưng “xôi hỏng bỏng không”. 

Gọi điện thoại gia đình không bắt máy. Đến nhà nhiều khi ba mẹ các em cũng tránh mặt. Nói trắng ra thì giáo viên vì thương trò nhưng cũng thương cả bản thân mình nên phải cố hết sức để trổ tài thuyết phục. 

Có phụ huynh lại phán xanh rờn: “Cô nhìn xem con chị nó học 4 năm đại học còn thất nghiệp về xẻ cá khô. Nó có học lên rồi cũng thế. 

Ở nhà đi biển lại phụ ba mẹ được ít nhiều. Nhà tôi neo người không có ai làm việc, nó đi học cô có đảm bảo rằng ra trường có việc làm không?”.

Nói đến đây, cô Hoa biết mình chẳng thể nói được gì đành ngậm ngùi ra về trong thất vọng.

Nhưng như thế đã là gì, có vị phụ huynh đốp chát làm giáo viên ngượng chín mặt: “Con tôi, tôi có quyền cho nghỉ học lúc nào cũng được. Mắc mớ gì mấy người mà cứ suốt ngày vào ra như ám quẻ”.

Đó chỉ là một trong vô vàn tình huống dở khóc dở cười của giáo viên khi đến gia đình học sinh vận động cho các em đi học trở lại.

Bởi thế nếu trong lớp chỉ cần 1 em nghỉ học, giáo viên cũng đủ điên đầu chứ nói gì đến vài ba em.

Đặt chỉ tiêu để giáo viên có trách nhiệm

Trước tình hình học sinh bỏ học nhiều, thay vì tìm nguyên nhân để khắc phục. Chẳng hạn học sinh khó khăn về kinh tế hỗ trợ quần áo, sách vở, tiền học phí, bảo hiểm. 

Học sinh nghỉ học vì lực học quá yếu không thể tiếp thu bài, nhà trường cần hỗ trợ việc phụ đạo… Nhưng nhiều trường lại chẳng làm được điều đó. 

Họ giao chỉ tiêu để buộc thầy cô phải có trách nhiệm nhưng việc học sinh đi học hay bỏ học, giáo viên cũng lực bất tòng tâm.

Một số Hiệu trưởng đã tự đặt chỉ tiêu để “trói buộc” giáo viên. Chẳng hạn trong lớp không quá 1% học sinh đạt hạnh kiểm trung bình, 1% học sinh bỏ học…

Điều buồn cười là lớp học nào sĩ số cũng khoảng 40-45 em. Chỉ tiêu giao không quá 1% cũng đồng nghĩa với việc không có em nào nằm trong 1% ấy.

Nhiều giáo viên cũng than vãn, đi dạy nhưng cứ lo nơm nớp trò nghỉ học bất cứ lúc nào nên những học sinh vi phạm thầy cô hoặc là làm lơ, hoặc nhắc nhở nhẹ nhàng để các em tiếp tục tới lớp duy trì sĩ số. 

Nếu chẳng may lớp nào có học sinh bỏ học, dù giáo viên ấy có chủ nhiệm giảng dạy nhiệt tình, có năng nổ trong mọi hoạt động đến đâu, cuối năm cũng sẽ bị hạ bậc thi đua vì bị vướng chỉ tiêu khống chế. 

Muôn vàn cách đối phó

Không ít giáo viên nói: “Mình muốn sống trung thực nhưng như thế thì thiệt thòi quá. Công sức phấn đấu cả năm, nay bỗng dưng có em bỏ học lập tức trở về số 0”. 

Thế là có giáo viên lặng lẽ không báo với nhà trường học sinh ấy đã bỏ học (dĩ nhiên một số giáo viên bộ môn cũng đồng ý làm lơ). 

Khi học sinh ấy không có điểm thi, thầy cô ghi điểm 0 vào, cứ thế đương nhiên em ấy thuộc diện ở lại lớp. 

Có giáo viên tự làm đơn xin rút học bạ của học trò bỏ học về nhà nhưng trên danh nghĩa học sinh này đã chuyển sang học ở một trường khác…

Học sinh cũng ý thức được nếu mình bỏ học giáo viên sẽ phải vất vả đi vận động thế nào. 

Bởi thế, nhiều em ngang bướng, nghịch ngợm chẳng coi giáo viên ra gì nhưng phần nhiều thầy cô cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt” để bảo toàn sĩ số chính là bảo toàn cho chính mình không mắc nợ với chỉ tiêu, một cái vòng kim cô đang thít dần trên đầu những thầy cô giáo.

Theo Theo Giáo Dục Việt Nam
MỚI - NÓNG