Theo kế hoạch được Bộ Quốc phòng Australia công bố, trước khi kết thúc năm 2014, lực lượng Hải quân Australia sẽ chính thức đưa tàu đổ bộ trực thăng lớp Canberra đầu tiên mang tên HMAS Canberra đi vào trực chiến. Chiếc thứ 2 mang tên HMAS Adelaide dự kiến đưa vào biên chế trong năm 2016.
The Daily Telegraph đánh giá rằng sau khi 2 tàu này được đưa vào tác chiến cùng những tàu khu trục phòng không (AWD) lớp Hobart, vốn đang được đóng ở vùng Port Adelaide (Australia), học thuyết hải quân của nước này sẽ thay đổi đáng kể.
Các tàu lớp Canberra sẽ dành nhiều thời gian hoạt động cùng với một tiểu đoàn của lục quân Australia, tham gia ứng phó thiên tai trong khu vực và thế giới.
Siêu hạm HMAS Canberra |
Theo Hải quân Australia, 2 chiếc HMAS Canberra và HMAS Adelaide sẽ cung cấp cho quân đội nước này một trong những hệ thống triển khai lực lượng đổ bộ ưu việt nhất thế giới.
Chúng sẽ góp phần bảo vệ trực tiếp đất nước và những lợi ích quốc gia cũng như cho phép quân đội hỗ trợ nhân đạo quy mô lớn trong nước lẫn khu vực.
Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The Diplomat, nhà phân tích Peter Dean tại Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược thuộc Đại học Quốc gia Australia dự đoán 2 chiếc lớp Canberra sẽ là “thứ thay đổi cuộc chơi” cho sức mạnh quân sự của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian tới.
Ngay cả những học giả hàng đầu của Trung Quốc cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với 2 chiếc tàu lớp Canberra và cả lực lượng Hải quân nước này. Theo truyền thông Trung Quốc, Australia được xem là quốc gia sẽ có những sự ảnh hưởng nhất tại khu vực Biển Đông, khu vực biển mà Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường sức mạnh của mình.
Trong một bài phân tích về sức mạnh Hải quân Australia được đăng tải trên trang quân sự chinamil hồi đầu năm 2014, tiến sĩ khoa học Hùng Chí Vĩnh, viện nghiên cứu Nam Hải cho biết: “Không phải sự lớn mạnh của các quốc gia ASEAN khiến Bắc Kinh lo ngại mà sự ảnh hưởng của một quốc gia có tiềm lực như Australia mới khiến chúng ta phải tính tới những phương án dự phòng tối ưu nhất, đặc biệt trong số đó là 2 chiến hạm lớp Canberra".
Theo Hùng Chí Vĩnh, khi cả hai chiếc tàu đổ bộ chiến đấu Canberra của Hải quân Australia đi vào hoạt động nó sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất đến chiến lược của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trong vòng 1 thập kỷ tới, sức mạnh Hải quân của Australia vốn đã có tiềm lực sẽ càng được củng cố thêm nữa trong bối cảnh mới với nhiều biến động của thế giới. Vì thế ngoài Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia sẽ là một ẩn số Bắc Kinh cần tính đến, tờ chinamil nhận định.
Siêu hạm HMAS Canberra có độ choán nước 27.800 tấn, chiều dài 230 m và chiều rộng 32 m. Ngoài thủy thủ đoàn 325 người, tàu có thể chở theo 18 trực thăng, 1.051 binh sĩ được trang bị vũ khí đầy đủ cùng 110 xe tải, xe bọc thép và xe tăng chủ lực.
Những khí tài này có thể được di chuyển giữa các tầng thông qua thang máy. Các tàu đổ bộ, xe bọc thép sẽ tiến ra biển thông qua một cửa lớn ở phía đuôi tàu mẹ. Ngoài ra, HMAS Canberra còn được trang bị một bệnh viện 3 tầng, với 56 giường, các cơ sở nha khoa và máy chụp X-quang hiện đại.
Về sức mạnh hỏa lực, lớp tàu này được trang bị 4 pháo cỡ nòng 25 mm, hệ thống điều khiển chiến đấu Saab 9LV và hệ thống radar Giraffe AMB. HMAS Canberra có thể chở được 24 trực thăng đa nhiệm MH-60R Seahawk hay “sát thủ diệt ngầm” NH90.