Học bổng 'Nâng bước thủ khoa': Nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm nay, chương trình học bổng “Nâng bước thủ khoa” chính thức diễn ra với việc các sinh viên được trao học bổng sẽ tụ họp về Hà Nội, TPHCM để giao lưu, tham quan và nhận học bổng. 140 sinh viên xuất sắc vinh dự nhận học bổng kỳ này dù có hoàn cảnh và số phận khác nhau nhưng đều có chung ước mơ đổi đời và khát vọng vươn lên.
Học bổng 'Nâng bước thủ khoa': Nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng ảnh 1
Các sinh viên nhận học bổng “Nâng bước thủ khoa” năm 2021

Những bức tâm thư đẫm nước mắt

Trong thư gửi về chương trình, Lý Quán Thành (quê ở Châu Thành, Kiên Giang) cho biết, cả gia đình em sống trong một con hẻm nhỏ ở quê. Mẹ Thành làm nghề may nhưng ít việc. Rồi hôn nhân của bố mẹ đổ vỡ, bà bỏ cha con Thành ra đi. Không có đất canh tác, người cha đi làm thuê, làm mướn để lo cho gia đình. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên ngoài giờ học, Thành cũng đi làm phụ cha. Thành bộc bạch: “3 năm học cấp 3, em chỉ có duy nhất một bộ đồng phục, học về là vội giặt ngay để mai có đồ mặc tiếp. Rách thì vá lại. Em không dám xin tiền vì biết cha lo cho cả nhà, cũng mệt mỏi lắm rồi”.

Hoàn cảnh tương tự như thế, cô nữ sinh Dương Thị Quỳnh Hương (quê ở Cam Lâm, Khánh Hoà, người dân tộc thiểu số) mồ côi cha, một mình mẹ phải tần tảo lo toan để nuôi cô ăn học. Thương mẹ, học hết cấp 3, khi cầm trên tay tờ giấy báo nhập học, nhìn mái tóc đen nhánh của người mẹ đã bạc màu, Quỳnh Hương muốn nghỉ để đỡ đần cho mẹ đã vào tuổi xế chiều nhưng mẹ cô bé kiên quyết không đồng ý. Quỳnh Hương rưng rưng: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, đi học là cả gánh nặng cho mẹ. Nhưng mẹ bảo sẽ cố lo cho em”.

Bạn Nguyễn Bình An (Phước Vĩnh, TP Huế) có hoàn cảnh kinh tế gia đình vô cùng khó khăn nên bố mẹ em phải đi làm ăn xa. Từ nhỏ, An phải sống cùng ông bà ngoại. Cậu em trai của An bị ung thư xương. Năm An học lớp 6, bố mẹ em ly hôn và vẫn biền biệt, chỉ thỉnh thoảng gửi tiền về cho ông bà chăm sóc các cháu. Hai năm qua, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, bố mẹ An không gửi tiền về nữa nên ông bà ngoại dù tuổi đã cao vẫn phải tìm mọi cách xoay xở, lo cho các cháu.

Trong tâm thư gửi về chương trình, Mơ U Nhân (Đức Trọng, Lâm Đồng) bộc bạch: “Hoàn cảnh gia đình em khổ lắm. Lúc em chuẩn bị nhập học, vì thiếu giấy tờ mà cũng cạn tiền nên em phải mượn tiền để về quê đi làm chứng thực. Ở nhà cũng không còn tiền, mẹ đã bán con chó yêu quý nhất để lấy tiền đưa cho em. Khi đó em chỉ biết nghẹn đi, không khóc được!”.

Khát vọng chinh phục giấc mơ

Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng với những sinh viên tìm đến chương trình học bổng “Nâng bước thủ khoa”, điều đáng trân quý là ai cũng nỗ lực vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để có thể bước chân vào giảng đường đại học. Nhiều em đã không quản ngại vất vả, đi làm thêm đủ các nghề, miễn là lương thiện để kiếm tiền đóng học phí, trang trải cuộc sống.

Cô sinh viên Lê Thị Thúy Kiều (khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) chỉ mới nhập học một thời gian ngắn đã kịp hình thành một thói quen: Đó là từ sáng sớm, bạn đã tranh thủ đi bán các món ăn điểm tâm (như sushi, sandwich, hamburger) tại một điểm trường ở TP Dĩ An (Bình Dương). Sau giờ bán hàng, Kiều lại vội vã quảy ba lô đến giảng đường để kịp giờ học. Chỉ được trả công 40.000 đồng cho mỗi buổi bán hàng nhưng số tiền nhỏ này cũng giúp Kiều trang trải cho việc mua sách vở, đổ xăng xe…

Học bổng 'Nâng bước thủ khoa': Nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng ảnh 2
Lê Thị Thúy Kiều tranh thủ bán hàng đầu buổi sáng trước giờ đến giảng đường. Ảnh: NGÔ TÙNG

“Chương trình học bổng “Nâng bước thủ khoa” đã góp phần lan tỏa trong cộng đồng, trước hết tạo động lực cho các em được hưởng học bổng; lớn hơn nữa là tạo nguồn cảm hứng học tập, trách nhiệm xã hội cho chính các em, khơi gợi niềm tin cho những học sinh nghèo học giỏi để họ cố gắng vươn lên”.

TS Trần Ðình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học Nông Lâm TPHCM

Bạn Hồ Văn Bửu (sinh viên khoa Luật truyền thông đa phương tiện, Đại học Huế) ban ngày cần mẫn đi học, đến tối thì đi làm thêm ở quán ăn để kiếm tiền đắp đổi cuộc sống. Bửu tâm sự: “Em biết vừa đi học vừa đi làm sẽ rất khó khăn bởi việc học đã rất cực rồi. Nhiều hôm đi làm thêm về đã khuya, mệt mỏi chỉ muốn ngủ một giấc nhưng nghĩ đến việc chuẩn bị bài vở ngày mai, em lại cố. Mình nghèo, không có đủ điều kiện thì phải gắng sức hơn”.

Năm nay, Ban tổ chức chương trình học bổng (BTC) đã nhận được hơn 300 bộ hồ sơ và sau khi xét chọn đã công bố danh sách 140 tân sinh viên là thủ khoa và sinh viên có thành tích xuất sắc đầu vào các trường đại học trên cả nước được nhận học bổng, trong đó có 70 sinh viên các trường đại học khu vực phía Bắc (từ Quảng Trị trở ra) và 70 sinh viên các trường đại học khu vực phía Nam.

BTC cũng trao 10 suất học bổng cho các sinh viên từng nhận học bổng “Nâng bước thủ khoa” những năm trước và hiện tiếp tục có thành tích học tập tốt, với mỗi suất 10 triệu đồng cùng hiện vật. Một số sinh viên nộp hồ sơ nhận học bổng nhưng không có tên trong danh sách cũng sẽ được hỗ trợ từ 1- 2 triệu đồng/em.

MỚI - NÓNG