Bạo lực tăng do ít giáo dục nghệ thuật?
Phát biểu tại hội thảo giáo dục các môn nghệ thuật trong trường phổ thông (do ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức ngày 16/10), PGS. TS Nguyễn Lân Cường, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Hà Nội, cho biết, khi nhận được giấy mời dự hội thảo, ông đã bỏ ra 504.600 đồng để tìm mua toàn bộ sách giáo khoa (SGK) về âm nhạc từ mẫu giáo đến lớp 9. Ông đọc hết 34 cuốn với tổng số 2.052 trang.
Ông Cường nói rằng, so với chương trình - SGK trước năm 2000, chương trình hiện hành có nhiều điểm đáng ghi nhận như số tiết học sinh được học trong một năm học nhiều hơn, hình thức, nội dung học phong phú hơn. Tuy nhiên, theo ông, điều còn hạn chế là tỷ lệ chưa thỏa đáng giữa bài hát nước ngoài so với dân ca Việt Nam. Số bài hát nước ngoài còn chiếm tỷ lệ lớn, lượng bài hát còn ít…
Nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Ủy viên Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho rằng, hiện nay, môn học âm nhạc này bị coi là “vớ vẩn”, lép vế hoàn toàn so với các môn học khác. Phụ huynh tập trung cho con em học các môn văn hóa khác để thi vào lớp 10, thi ĐH, CĐ.
PGS.TS Nguyễn Thị Tố Mai, nguyên Trưởng khoa Sư phạm âm nhạc, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cho rằng, một trong những nguyên nhân của suy đồi đạo đức học sinh và nạn bạo lực học đường hiện nay là do giáo dục nghệ thuật chưa tham gia một cách tích cực, sâu sắc vào quá trình giáo dục đạo đức. Hiện tại, các môn nghệ thuật chỉ được tiến hành dạy ở mầm non, tiểu học và THCS, không được dạy ở THPT, trong khi bạo lực học đường lại xảy ra nhiều ở lứa tuổi THPT.
Nhạc sĩ Minh Châu nói rằng, tập đọc nốt nhạc từ 9-10 tuổi mà đến tuổi trưởng thành vẫn “mù” nhạc, do đa số học sinh xướng âm không nhìn vào nốt mà chỉ xem các chữ cái đờ - rờ - mờ bằng bút chì dưới các nốt đô - rê - mi rồi học vẹt.
“Tôi cứ băn khoăn vì sao quá ít bài hát đọng lại trong ký ức tuổi thơ của các con? Bài hát thiếu nhi vẫn xuất hiện đều đều. Thế mà các con ở mọi lứa tuổi từ nhà trẻ đến tuổi thiếu niên vẫn cứ thiếu bài để hát”, nhạc sĩ Minh Châu tâm sự.
Bà cho rằng, trong giáo trình giáo dục âm nhạc phổ thông hiện nay, bài hát được tuyển vào chương trình có tuổi đời khá cao, được hát qua nhiều thập niên, có nghĩa đó là bài hát của tuổi thơ thế hệ giờ đã lên chức ông bà, dù có hay, có thuộc loại bài ca đi cùng năm tháng thì nội dung lời ca chưa chắc đã còn phù hợp với tuổi thơ hôm nay.
Bên cạnh đó, SGK âm nhạc cũng chỉ tập trung vào học hát với các bài dân ca. Số lượng bài hát giảm dần. Lớp 1 và 2 học 12 bài, từ lớp 3 đến lớp 5 còn 10 bài, từ lớp 6 đến lớp 8 còn 8 bài, lớp 9 còn 4 bài. Các bài hát đóng khung giống nhau, không có sự khác biệt giữa các vùng miền. Về vấn đề này, nhạc sỹ Hoàng Long, một trong những người tham gia biên soạn sách âm nhạc, thừa nhận có tình trạng các bài hát quá cũ.
Quan trọng là yếu tố giáo viên
Trước câu hỏi tại sao học sinh và người trưởng thành Việt Nam “mù” âm nhạc, PGS.TS Nguyễn Lân Cường khẳng định, nếu dạy theo đúng chương trình - SGK hiện hành, chắc chắn sẽ không có tình trạng đó. Vấn đề là do giáo viên, do sự “thờ ơ” của xã hội. Làm thế nào để âm nhạc được coi trọng nhưng cặp của học sinh không nặng thêm? Ông Cường một lần nữa khẳng định đó là do người thầy. “Ngày xưa chúng tôi đi học trong cặp chỉ có 3 cuốn sách, nhưng chúng tôi vẫn được học hết, được đào tạo bài bản. Đó là do cách dạy của người thầy”, ông nói.
Thạc sỹ Lương Minh Tân, Phó trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cho rằng, sự hạn chế của SGK xuất phát từ hạn chế trong chương trình đào tạo nghệ thuật trong trường phổ thông. Ông Tân đề xuất, cần thay đổi từ nội dung chương trình sao cho đảm bảo khoa học, hợp lý với điều kiện thực tế vùng, miền và đối tượng học sinh. Cần có sự phân chia vùng, miền vì âm nhạc liên quan điều kiện xã hội.
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT, nói rằng, sẽ tiếp thu ý kiến của các nhạc sĩ. Ông cho biết, hiện nay, trong mô hình trường học mới, âm nhạc đã có “đất” để phát triển. Mô hình này cũng đã tạo điều kiện để nhạc dân gian các địa phương đi vào trường học...