Giáo dục tại TPHCM: Nơi quá tải, chỗ vắng hoe

Việc số lượng học sinh tăng mạnh khiến cuộc đua vào chuyển cấp của học sinh trở nên căng thẳng. (Ảnh minh họa: Phụ huynh đang ngóng con sau kỳ thi vào lớp 6 trường chuyên Trần Đại Nghĩa TPHCM năm 2015).
Việc số lượng học sinh tăng mạnh khiến cuộc đua vào chuyển cấp của học sinh trở nên căng thẳng. (Ảnh minh họa: Phụ huynh đang ngóng con sau kỳ thi vào lớp 6 trường chuyên Trần Đại Nghĩa TPHCM năm 2015).
TP - Những năm qua, TPHCM đầu tư cả ngàn tỷ đồng để xây mới trường học, tuyển dụng hàng ngàn giáo viên. Chỉ tính riêng năm học 2015- 2016, thành phố đã xây mới 44 trường học…, thế nhưng, nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ngoài ra, số lượng học sinh tăng mạnh ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập, đặc biệt, ở một số quận như quận 12, Bình Tân, Bình Chánh… Tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học giảm thấp hơn so với năm học 2014 – 2015, nguyên do là để giảm sĩ số bình quân/lớp.

Tăng 85.000 học sinh

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, năm nay, toàn thành phố có hơn 1,54 triệu học sinh, tăng hơn 85.000 học sinh so với năm học trước. Cụ thể, bậc Mầm non tăng nhiều nhất với hơn 26.000 trẻ, bậc Tiểu học tăng hơn 25.000 học sinh, bậc THCS tăng hơn 17.000 và THPT tăng gần 16.000. Trong đó, quận Bình Tân tăng nhiều nhất với hơn 11.000, huyện Bình Chánh tăng 10.000, quận 12 tăng 8.000…

Điển hình trong việc tăng học sinh dẫn đến phải tăng lớp học và sĩ số là trường tiểu học Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), hiện là một trong những trường dẫn đầu TPHCM về số các lớp học với 61 lớp, mỗi lớp không dưới 50 học sinh. Ngoài ra, những ngôi trường có từ 50-60 lớp học trở lên không hiếm gặp ở TPHCM, nhất là ở quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh...

Đại diện của UB MTTQ Việt Nam quận Bình Tân cho biết, số học sinh tăng liên tục hằng năm dẫn đến đội ngũ giáo viên luôn biến động, nhiều giáo viên dạy không đúng chuyên môn nên ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Số lượng học sinh tăng khiến địa phương không có đủ phòng học. “Để giảm sĩ số bình quân/ lớp ở cấp tiểu học, dự kiến năm học 2015 – 2016, nhiều nơi trên toàn thành phố sẽ phải giảm tỷ lệ học 2 buổi/ngày, đặc biệt ở một số quận như quận 12, Bình Tân...”.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM 

Trong khi đó, năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều nơi vẫn thiếu hàng trăm giáo viên, nhất là bậc mầm non. Cụ thể, huyện Bình Chánh cần tuyển 441 giáo viên, thế nhưng đến nay chỉ  mới tuyển được 50% nhu cầu và hiện còn thiếu trên 200 giáo viên; quận Thủ Đức cũng thiếu khoảng 200 giáo viên... Nguyên do của việc này, đại diện Sở GD&ĐT TPHCM giải thích: “Số lượng học sinh liên tục tăng nhưng nhiều địa phương lại bị “khống chế” về biên chế, không được tuyển người không có hộ khẩu thành phố. Vì thế, trong cái khó, nhiều trường phải tự cân đối nhân lực, trong đó giáo viên kiêm nhiệm nhiều việc như dạy thêm môn phụ, đảm nhiệm vai trò làm giám thị, tư vấn học đường…”

Một nghịch lý khác lại đang xảy ra tại bậc Mầm non khi các trường mầm non trong các khu công nghiệp, khu chế xuất mới xây dựng đều chưa khai thác được hết công suất thì các trường bên ngoài lại không đủ chỗ để học. Ông Lê Hoài Nam lấy ví dụ, trường mầm non Vĩnh Lộc (nằm trong khu công nghiệp Vĩnh Lộc, quận Bình Tân) có sức chứa 400 trẻ nhưng hiện tại chỉ mới tiếp nhận hơn 100 cháu. “Nguyên do là thời gian giữ trẻ ở các trường này với thời gian làm việc của công nhân không khớp nhau, bên cạnh đó, các phụ huynh gửi con ở gần nhà cũng tiện hơn nhiều so với việc phải chở con đến chỗ làm việc để gửi”, ông Nam nói.

Xây nhiều, tuyển nhiều vẫn thiếu

Liên quan đến vấn đề số lượng học sinh tăng mạnh trong thời gian qua, ông Hồ Hữu Nhựt - Ủy viên UB MTTQ TPHCM đã làm cuộc khảo sát tại quận Bình Tân và huyện Bình Chánh (hai địa phương có số lượng học sinh tăng nhanh nhất thành phố). Ông Nhựt cho biết, nguyên nhân nằm ở việc tăng dân số cơ học rất nhanh và một phần lỗi nằm ở các doanh nghiệp.

Theo ông Nhựt, vấn đề tăng dân số cơ học một phần do chủ các xí nghiệp, nhà máy tạo ra khi chỉ sử dụng công nhân 2- 3 năm rồi sa thải để tuyển mới nhằm tránh việc trả lương hưu, chế độ thưởng, nghỉ lễ... “Khi công nhân cũ ở các tỉnh bị sa thải, họ không hồi hương. Trong khi đó, số công nhân mới từ các tỉnh cũng đem theo con góp phần làm tăng học sinh cơ học, làm tăng gánh nặng cho ngành giáo dục thành phố”, ông Hồ Hữu Nhựt phân tích.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố đề nghị chủ đầu tư các khu chế xuất, khu công nghiệp phải có trách nhiệm xây dựng trường lớp, đảm bảo chỗ học cho con em người lao động.

“Sở GD&ĐT nên cân đối chất lượng giáo dục giữa các trường bởi một thực tế đang diễn ra là hiện nay, nhiều trường thì không ai muốn vào học, có trường thì người dân xếp hàng từ nửa đêm xin cho con”, ông Danh nói.

Về việc thiếu trường lớp, GS Trần Đông A, Ủy viên UB MTTQ Việt Nam khóa VI cho rằng, nguyên do còn nằm ở việc một số quận không có đất để xây dựng mới trường như quận 12, Bình Tân, Hóc Môn... “Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều ban ngành, nhanh chóng giúp Sở GD&ĐT thực hiện việc xây dựng thêm trường học mới”, ông A nói.

MỚI - NÓNG