Biểu đồ cơ cấu nợ và số nợ dài hạn phải trả của HAG. Ảnh: Dddn.
HAG vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2015. Điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh quý I/2015 của HAG đến từ các hoạt động khác (không phải lĩnh vực kinh doanh chính) có lợi nhuận lên tới 156 tỷ đồng. Giá cổ phiếu liên tục giảm
Bên cạnh đó, mảng hoạt động kinh doanh chính của HAG tiếp tục mang lại doanh thu cao cho tập đoàn, đạt 1.049 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2014. Tuy nhiên chi phí tài chính (phần lớn là chi phí lãi vay) tăng vọt khiến lãi từ hoạt động kinh doanh của HAG chỉ còn 284 tỷ đồng, giảm 116 tỷ đồng so với kết quả quý I/2014.
Quan sát cơ cấu doanh thu quý I của HAG có thể thấy, sự sụt giảm đáng kể của mảng mía đường. Từ 492 tỷ đồng doanh thu quý I/2014, mía đường chỉ mang về cho HAG 298 tỷ đồng doanh thu quý I/2015, song vẫn đem lại doanh thu lớn nhất cho HAG. Bù lại, doanh thu từ các hợp đồng xây dựng cũng như bất động sản đầu tư trong quý I/2015 có bước nhảy vọt đáng kể, đặc biệt là mảng bất động sản. Quý I năm nay, doanh thu đến từ mảng này của HAG đạt 200 tỷ đồng.
Ngược với kết quả kinh doanh được coi là khởi sắc, giá cổ phiếu của HAG liên tục sụt giảm. Trong các phiên gần đây, áp lực bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài càng khiến cho cổ phiếu HAG giảm nhanh hơn. Khoảng 4 triệu cổ phiếu HAG, trị giá hơn 70 tỷ đồng đã được bán ròng kể từ sau kỳ nghỉ lễ 1/5.
Cho đến phiên ngày 19/5 giá mã HAG có giá 17.500 đồng/cổ phiếu, giảm gần 20% tính từ đầu năm.Theo các nhà đầu tư, đây là lần đầu tiên giá cổ phiếu của HAG rớt xuống mức kỷ lục dưới mức 20.000 đồng/cổ phiếu.
Do vậy, để chặn đà giảm giá cổ phiếu, HAG phải công bố mua vào 10 triệu cổ phiếu quỹ trong tháng 6 tới. Đồng thời, bầu Đức, Chủ tịch của tập đoàn cũng đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu HAG để tăng tỷ lệ sở hữu gần 44%. Theo nhiều chuyên gia, với một tập đoàn đang có nhu cầu đầu tư lớn ở tất cả các mảng kinh doanh, việc chi gần 200 tỷ đồng ra mua lại cổ phiếu là điều “bất đắc dĩ”.
Áp lực?
Một giả thuyết đang được giới phân tích đưa ra, giá cổ phiếu HAG giảm xuống thấp nhất trong vòng hơn 3 năm qua có thể đang khiến cho các khoản vay của tập đoàn đối mặt với nguy cơ bị giải chấp tài sản cầm cố.
Theo báo cáo tài chính từ năm 2012-2014 đã được công bố, HAG có hàng loạt các loại trái phiếu phát hành cho các tổ chức nước ngoài. Trong đó, phần lớn thời gian này giá cổ phiếu HAG luôn ở trên mức 20.000 đồng/cổ phiếu. Điều này có nghĩa là ở mức giá HAG hiện tại (17.500 đồng/CP), giá trị các tài sản bảo đảm bằng cổ phiếu này đã bị sụt giảm ít nhất 20%.
Báo cáo tài chính cho thấy, HAG đã phát hành 1.100 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho Northbrooks Investment Pte Ltd, một thành viên của Tập đoàn Temasek Holding Pte Ltd của Singapore theo nghị quyết cổ đông ngày 18/8/2010. Theo đó, ngày đến hạn là ngày 15/7/2015, lãi suất được tính bằng lãi suất tiền gửi cộng thêm 3%/năm, được thanh toán hàng năm. Tiếp đó, trái phiếu hoán đổi lấy cổ phần ngành nông nghiệp phát hành cho Northbrooks Investment (Maritius) Pte Ltd 1.130 tỷ đồng, ngày đáo hạn là 31/8/2015, và trái phiếu kèm chứng quyền ngành nông nghiệp 2.000 tỷ đồng, ngày đáo hạn là 5/12/2015.
Bản thuyết minh báo cáo tài chính năm 2014 của HAG cho biết, giá chuyển đổi sau khi điều chỉnh hiệu ứng pha loãng là 19.645-25.000 đồng/cổ phiếu. Với giá trị thực cổ phiếu hiện nay (phiên ngày 19/5 chỉ còn 17.500 đồng/cổ phiếu), ai nắm giữ cổ phiếu của HAG đều bị thủng túi và âm vốn.
Tuy nhiên, trong giải trình mới đây, HAG cho biết, do thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến chưa thuận lợi nên công ty đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh kéo dài thời gian chuyển đổi và đáo hạn với các trái chủ. Ngoài ra, khoản vay trái phiếu chuyển đổi 1.100 tỷ cho công ty con của Temasek sẽ đáo hạn vào ngày 31/8/2015 với giá chuyển đổi sau khi pha loãng khoảng 19.600 đồng/cổ phiếu. Với giá cổ phiếu HAG hiện tại, khả năng Temasek chuyển đổi không cao.