Hoãn mùa giải 2006 để ổn định tình hình?

Hoãn mùa giải 2006 để ổn định tình hình?
(TPO) Hoãn mùa giải 2006 để cắt bỏ những ung nhọt tiêu cực đã đeo bám bóng đá Việt Nam suốt bao năm qua, có lẽ là một giải pháp mà lúc này VFF cần phải tính đến.
Hoãn mùa giải 2006 để ổn định tình hình? ảnh 1
Tạm hoãn mùa giải 2006 sẽ giúp bóng đá Việt Nam củng cố được nhiều mặt. Ảnh: Việt Thanh

Hàng loạt những vụ việc tiêu cực bị phanh phui trong thời gian gần đây đã khiến bóng đá Việt Nam buộc phải đối diện với một sự thật: Không còn đủ lực lượng trọng tài, thậm chí sẽ có nhiều HLV, cầu thủ bị kỷ luật…

Tuy nhiên, khi chỉ còn hơn hai tháng nữa sẽ bước vào mùa giải 2006, bóng đá Việt Nam vẫn chưa có được sự ổn định cần thiết, thậm chí ngay cả VFF dường như cũng đang lúng túng trước những vấn đề cần phải giải quyết rốt ráo.

Thiếu trọng tài

Sau hàng loạt những nỗ lực của cơ quan điều tra, danh sách những trọng tài “nhúng chàm” tính đến nay đã kéo dài quá con số 20. Đây quả là một con số kinh khủng nếu biết rằng chỉ có hơn 80 trọng tài đã tham gia điều hành tại mùa giải 2005 vừa qua.

Điều cay đắng và làm VFF muối mặt nhất chính là việc phần lớn trong số những ông vua sân cỏ từng “bán mình cho quỷ” lại chính là những người đã được VFF tin cậy và phong cho danh hiệu “đạn bắn không thủng”.

Lỗ hổng lớn về lực lượng trọng tài đã được VFF tính đến bằng một bài toán tình thế: Mở “lò luyện” trọng tài cấp tốc trước mùa giải 2006, đôn một số trọng tài trẻ lên thay thế những trọng tài “nhúng chàm”.

Một câu hỏi lớn đặt ra: Liệu những trọng tài trẻ này có đủ năng lực và bản lĩnh để điều hành giải đấu lớn nhất của bóng đá Việt Nam.

Quan trọng hơn, ai sẽ là đủ tín nhiệm để được giao nhiệm vụ đào tạo trọng tài trẻ, khi mà dư luận đã hơn một lần đặt dấu hỏi về vai trò và trách nhiệm của một vài cá nhân trong bộ máy VFF.

VFF cũng đang lúng túng

Sau tất cả những bê bối liên quan đến ĐA.TP, dư luận đã chờ đợi một phán quyết mạnh tay từ VFF. Nhưng sự thực là VFF vẫn chưa hề đưa ra được quyết định gì mang tính đột phá.

Xâu chuỗi toàn bộ những vụ việc “lùm xùm” của ĐA.TP, chiếu với các điều luật của bóng đá Việt Nam, VFF hoàn toàn có thể đưa ra một quyết định cứng rắn đối với đội bóng này.

Chờ đợi và chờ đợi đến bao giờ? Có lẽ chính VFF cũng không thể biết được điều này song dường như đây lại chính là cái cớ để có thể trì hoãn việc giải quyết những vấn đề mà VFF cũng đang rối như canh hẹ.

Chính sự lúng túng, thiếu dứt khoát của VFF đã khiến cho đến giờ phút này, chưa ai, kể cả VFF có thể hình dung nổi mùa bóng tới sẽ có bao nhiêu đội bóng dự V-League, bao nhiêu đội bóng dự giải hạng Nhất. Phương án đôn THS.CT lên thay thế ĐA.TP mà nhiều người đã đặt ra, giờ đây có thể coi như đổ bể.

Trước thông tin tựa như một quả bom tấn cho hay: Có đến 7 đội bóng ở V-League và 6 đội hạng Nhất “nhúng chàm”, liệu VFF có đủ can đảm để đưa những đội bóng này vào danh sách dự mùa giải 2006?

Tài trợ khó khăn

Những vụ tiêu cực cứ bong ra từng mảng đã dẫn đến một hệ lụy: Hàng loạt những nhà tài trợ của bóng đá Việt Nam đã nói lời chia tay: Từ Vilube, Majesty/Bird đến Vietcombank trong khi việc tìm kiếm nhà tài trợ mới lại vô cùng bế tắc.

Bằng chứng là cho đến nay, VFF vẫn chưa thể công bố danh tính nhà tài trợ cho giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia 2006 dù thời gian từ đây tới ngày khai mạc giải chỉ còn hơn hai tháng.

Công bằng mà nói, bóng đá là một hoạt động kinh tế nên việc hoãn mùa giải có thể sẽ dẫn đến những tác động về tài chính cho các CLB. Nhưng xét đến cùng, bất kỳ một CLB làm ăn lành mạnh nào cũng đều không thể chấp nhận bỏ tiền của vào một hoạt động bóng đá mà đen trắng lẫn lộn, thật giả mù mờ.

Trên tất cả, phải chăng phương án tạm hoãn mùa giải 2006 cũng là một cơ hội để bóng đá Việt Nam cắt bỏ tất cả những ung nhọt tiêu cực đã ăn sâu vào cơ thể của mình trong nhiều năm qua.

Lùi một bước để tiến hai, tiến ba, để làm trong sạch bóng đá Việt Nam, dường như chưa bao giờ bóng đá Việt Nam có được một cơ hội để làm trong sạch mình như lúc này.

Hoãn mùa giải 2006 để đưa bóng đá Việt Nam bước một bước tiến mới trong sạch và lành mạnh, có lẽ là giải pháp VFF nên tính đến.

Hạnh Nguyên

Theo khoản 13 điều 78 Quy chế bóng đá ngoài chuyên nghiệp hiện hành của VFF, nếu các thành viên của CLB hoặc đội bóng và những người có liên quan có hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất dưới mọi hình thức cho các thành viên BTC giải, thì CLB đó đã vi phạm và phải chịu xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, ở dự thảo Quy định về kỷ luật mà VFF mới đưa ra đầu tháng 10 vừa qua, theo khoản 12, điều 3, đội bóng chỉ bị coi là vi phạm và bị xem xét kỷ luật nếu các thành viên CLB và những người có liên quan có hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất dưới mọi hình thức cho các thành viên BTC giải nhằm làm sai lệch tiến trình hoặc kết quả trận đấu, giải đấu.

Rõ ràng, VFF đã đưa thêm yếu tố mục đích vào “cấu thành” của hành vi vi phạm. Điều này đồng nghĩa với việc đội bóng có thể “vô tư bồi dưỡng” trọng tài nếu việc bồi dưỡng này không làm sai lệch tiến trình hoặc kết quả trận đấu, giải đấu.

Lẽ đương nhiên, sẽ chẳng đội bóng nào “bồi dưỡng” cho trọng tài mà lại “lạy ông tôi ở bụi này”.

MỚI - NÓNG
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cùng phu nhân đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại sân bay Belgrade ngày 7/5. (Ảnh: Reuters)
Thông điệp của Chủ tịch Trung Quốc khi thăm Serbia đúng dịp tưởng niệm vụ ném bom của NATO
TPO - Được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu MIG-29, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Serbia tối 7/5. Chuyến thăm được bảo vệ an ninh chặt chẽ diễn ra đúng vào dịp tưởng niệm 25 năm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thả bom vào Đại sứ quán Trung Quốc, khiến ba nhà báo Trung Quốc thiệt mạng.