> Cưới vợ lần 2, có nên tổ chức hoành tráng?
Biến “thuốc độc” thành thuốc bổ
Tại buổi học về tiền hôn nhân với chủ đề: Làm thế nào để hòa hợp với gia đình nhà chồng do Cty Cổ phần Tham vấn, nghiên cứu và tâm lý học cuộc sống (SHARE) tổ chức tại đường Trường Chinh (Hà Nội), nhiều bạn gái thẳng thắn bộc bạch lo lắng của mình. Hai tuần nữa tổ chức đám cưới, bên cạnh sự vất vả chuẩn bị, bạn Nguyễn Ngọc Minh, SN 1989 mất ngủ vì nỗi lo làm dâu.
Ngọc Minh chia sẻ, gia đình chồng tương lai là người Hà Nội gốc, còn Minh là người Quảng Bình. “Mình sợ nhất là thói quen sinh hoạt, ăn uống của nhà chồng sẽ có nhiều khác biệt, mình không hòa hợp được sẽ nảy sinh ra nhiều điều không hay”, Minh cho biết.
Tuy nhiên, khi về sống chung, nếu có xảy ra mâu thuẫn với mẹ chồng, các bạn gái hãy nghĩ rằng, khi mình lấy đi người con trai của mẹ làm chồng của mình, có nghĩa là mình đang sở hữu trong tay “tài sản lớn nhất” của cuộc đời mẹ. “Tài sản” đó giờ bị chia sẻ tình yêu thương, quan tâm cho vợ, cho con rồi, không dành nguyên vẹn như trước nữa. Nghĩ được thế, mọi mâu thuẫn đều được hoá giải Th.s Phan Bích Thủy |
Để hóa giải phần nào những thắc mắc của Minh và nhiều cô dâu tương lai, thạc sỹ Phan Bích Thủy kể lại câu chuyện mẹ chồng nàng dâu bằng slide sinh động cho cả lớp học xem. Trong câu chuyện, mẹ chồng và nàng dâu ở hai “chiến tuyến” đối lập nhau. Nàng dâu có lối sống hiện đại, phóng khoáng, còn mẹ chồng khắt khe và luôn để ý nếp ăn ở của con dâu. Sự mâu thuẫn của mẹ chồng và nàng dâu ngày càng nặng nề, khiến không khí gia đình căng thẳng. Người con dâu không chịu nổi áp lực, một ngày nọ tìm đến thầy lang nhờ cắt giùm ít thuốc độc để về hạ độc mẹ chồng! Thầy lang đồng ý cắt thuốc nhưng dặn nàng dâu phải tuân thủ làm theo lời dặn của thầy.
Hằng ngày nấu ăn, cô bỏ một ít “thuốc độc” vào thức ăn, 6 tháng sau thuốc sẽ phát huy tác dụng. Nghe lời thầy lang, để mọi người không nghi ngờ, nàng dâu thay đổi hoàn toàn thái độ với mẹ chồng, lúc nào cũng vui vẻ, nhẹ nhàng, thường xuyên nấu các món ăn ngon. Mẹ chồng rất hạnh phúc, mang chuyện con dâu đi khoe khắp hàng xóm, láng giềng. Chưa đầy 6 tháng, nàng dâu gặp lại thầy lang xin thuốc giải độc.
“Con không muốn mẹ chồng chết nữa. Con thấy mẹ chồng con dễ chịu và có nhiều nét đáng yêu mà trước đây con không biết”, nàng dâu nói. Thầy lang cười hiền: “Thuốc ta cắt cho con chỉ là thuốc bổ, còn thuốc độc là lòng căm giận của con, giờ con đã tự hóa giải nó được rồi”.
Câu chuyện kết thúc có hậu đầy bất ngờ, dưới lớp có tiếng xì xào bàn tán. Thạc sỹ Thủy tiếp lời: “Hòa hợp gia đình chồng không hẳn khó, đặc biệt là vấn đề mẹ chồng nàng dâu. Mỗi nàng dâu khi về với gia đình chồng cứ hành động xuất phát từ trái tim, yêu thương những người trong gia đình chồng bằng tình yêu chân thành thì tất cả mọi trở ngại sẽ được hóa giải”.
Chuyện nhà của chuyên gia
Thạc sỹ Thủy bộc bạch, trước đây, khi mới về làm dâu chị cũng rất lo lắng, căng thẳng. Thời gian đầu, hễ chồng đi công tác là chị lại bế con về nhà mẹ đẻ, thấy thật thoải mái. Nhưng dần dà, chị tìm cách hòa hợp gia đình chồng.
“Mẹ chồng có nếp sống nhà nông. Sáng nào mẹ cũng dậy sớm làm việc nhà rồi đi trồng rau. Trước khi về nhà chồng, tôi chả mấy khi phải dậy sớm thế nhưng thấy mẹ chồng vậy, sáng sáng tôi cố gắng dậy sớm với mẹ chồng, cùng mẹ làm việc nhà, nấu cơm cho mẹ mang đi. Những việc nhỏ nhỏ đó khiến mẹ chồng rất cảm động và tự hào về con dâu”, chị Thủy kể.
Để hòa hợp nhà chồng, chị Thủy cho biết, mỗi cô dâu cần phải có sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ. Chị kể, hồi mới sinh đứa con đầu lòng, đang trong thời gian ở cữ, chị ở nhà một mình đúng lúc con lợn nái trong chuồng đẻ.
“Thấy đàn lợn con đi loanh quanh chân vướng vào dây rốn, thương quá, tôi nhảy vào chuồng lau sạch từng con lợn rồi cẩn thận cắt rốn. Mẹ chồng đi làm đồng về thấy tôi đang lúi húi trong chuồng lợn, bà quát tôi ầm ĩ lên. Lúc đó, nếu không hiểu chắc tôi sẽ tủi thân và giận bà nhiều lắm. Nhưng ở với bà tôi biết, bà quát là vì thương tôi, xót tôi đang ở cữ mà đi làm những việc như thế. Nghĩ vậy tôi càng thấy hạnh phúc hơn”, thạc sỹ Thủy nói. Ở với mẹ chồng 10 năm, thạc sỹ Thủy hạnh phúc vì tình cảm mẹ chồng nàng dâu luôn đong đầy.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, việc các cô gái mới về làm dâu thấy lo lắng là điều dễ hiểu, bởi mỗi gia đình có một nếp sinh hoạt, văn hóa khác nhau.
Khi lấy chồng, nghĩa là các cô gái về sống trong một môi trường hoàn toàn mới. Đặc biệt các bạn trẻ ngày nay bị áp lực học hành, công việc quá lớn, họ ít có thời gian để học các kỹ năng sống, đối nhân xử thế cũng như nữ công gia chánh. Những điều đó rất quan trọng, giúp bạn gái tự tin khi bước về nhà chồng.