Hóa chất độc mới trong thức ăn chăn nuôi: Bộ NNPTTN nói gì?

Màu thịt, trứng gia cầm bắt mắt, một phần do chất phụ gia tạo màu được trộn trong quá trình sản xuất cám. Ảnh: Phạm Anh.
Màu thịt, trứng gia cầm bắt mắt, một phần do chất phụ gia tạo màu được trộn trong quá trình sản xuất cám. Ảnh: Phạm Anh.
TP - “Sau khi vật nuôi ăn, sẽ làm vàng cả thịt vì hầu như hóa chất này không bị tẩy trừ, nên rất nguy hiểm. Chưa nói chuyện ký kết TPP, chăn nuôi của chúng ta có thể tự thua trên sân nhà rồi”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi nói về loại hóa chất vàng ô vừa mới phát hiện.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ NN&PTNT chiều 6/10, Thanh tra bộ này cho biết, vừa phát hiện thêm một loại chất độc hại mới (vàng ô -được sử dụng trong công nghiệp nhuộm, làm sơn, ve tường) có thể gây ung thư, sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, qua đợt thanh tra đột xuất về chất cấm (thời gian qua chủ yếu là chất tăng trọng - Salbutamol), cơ quan chức năng đã phát hiện ra một chất độc hại mới là vàng ô.

“Theo các nhà khoa học, vàng ô là chất tồn dư có thể gây ung thư trên động vật thực nghiệm. Chúng tôi đã đề nghị Bộ có văn bản, tìm phương pháp kỹ thuật để phát hiện chất vàng ô khi các đối tượng trộn vào thức ăn chăn nuôi”, ông Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), vàng ô là một hóa chất nhập nước ngoài về, được sử dụng phổ biến trong nhuộm vải sợi và xây dựng (như làm ve trên tường), không được dùng trong thực phẩm.

Tuy nhiên, ông Dương cho biết, vàng ô không nằm trong số 22 chất cấm sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN), nên không gọi là “chất cấm”. “Có người lý sự “không cấm thì được sử dụng”, nhưng thực tế, chất này cũng không nằm trong danh mục nguyên liệu TACN được phép sử dụng, bất lợi cho sức khỏe”, ông Dương cho hay.

“Không để đối tượng phi pháp ăn trên lưng người kinh doanh chân chính, nên người dân phải cảnh giác, tẩy chay, tố giác chất cấm. Khi sản phẩm chăn nuôi kém chất lượng, người tiêu dùng có thể quay lưng, tìm thực phẩm khác. Như vậy, chưa nói chuyện ký kết TPP, chăn nuôi của chúng ta có thể tự thua trên sân nhà rồi”.

Ông Dương phân tích 

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, trong sản xuất TACN, có cho phép các phụ gia để tạo màu nhưng phải nằm trong danh mục cho phép. 

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp không mua chất tạo màu có nguồn gốc an toàn, lại lấy chất vàng ô trộn vào cám, tạo màu hấp dẫn hơn, nhất là cám cho chăn nuôi gà. “Sau khi vật nuôi ăn, sẽ làm vàng cả thịt vì hầu như hóa chất này không bị tẩy trừ, nên rất nguy hiểm”, ông Dương nêu rõ.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, chính tập quán tiêu dùng của người Việt (ưa màu mè), khiến người dân Việt Nam gặp không ít “phiền hà”. Chẳng hạn, so với các nước không quan tâm đến màu thịt, lòng đỏ trứng, da gà, vỏ trứng…, thì giá thành cám của Việt Nam bị đội lên 4-5%. 

Một cân cám khoảng 10 nghìn đồng, đã mất 400-500 đồng cho “màu mè”. Trong khi, những chất tạo màu đó không có tác dụng về dinh dưỡng, chỉ tạo hấp dẫn về màu sắc và nhiều trường hợp còn gây hại cho người sử dụng.

Theo ông Dương, năm ngoái, cơ quan chức năng đã phát hiện chất vàng ô tại Hải Phòng. “Còn vụ vừa phát hiện nói trên, chúng tôi đang cho tiếp tục phân tích, điều tra. Không chỉ có vàng ô, có thể phát hiện thêm những chất độc hại khác”, ông Dương nhận định.

Tẩy chay thực phẩm có chất cấm

Liên quan đến chất cấm Salbutamol đang bị cảnh báo nghiêm trọng trong ngành chăn nuôi thời gian qua, ông Dương cho biết, Cục đã phối hợp với các nhà khoa học, đưa ra loại que thử nhanh về chất cấm. Loại que này kiểm tra nước tiểu vật nuôi trong 5 phút có thể phát hiện ra chất cấm. Trong tháng 10 này, chúng tôi sẽ trình Bộ sửa thông tư, tạo hành lang pháp lý để đưa phương pháp que thử vào áp dụng.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho biết, Bộ trưởng NN&PTNT vừa có chỉ đạo gửi Chủ tịch các tỉnh, đề nghị các địa phương đồng loạt ra quân, kiểm tra các khâu từ sản xuất, kinh doanh, trang trại nuôi, nơi giết mổ, thị trường… để “truy quét” phát  hiện chất cấm. Người chăn nuôi, sản xuất cám, người dân phải tự giám sát, tố giác, chứ không cơ quan quản lý nào đi kiểm tra hết được.

“Không để đối tượng phi pháp ăn trên lưng người kinh doanh chân chính, nên người dân phải cảnh giác, tẩy chay, tố giác chất cấm. Khi sản phẩm chăn nuôi kém chất lượng, người tiêu dùng có thể quay lưng, tìm thực phẩm khác. Như vậy, chưa nói chuyện ký kết TPP, chăn nuôi của chúng ta có thể tự thua trên sân nhà rồi”, ông Dương phân tích.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.