'Bóng ma' chất cấm bao phủ ngành chăn nuôi

Việc sử dụng chất cấm khiến ngành chăn nuôi thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, người tiêu dùng tẩy chay. Ảnh: Bá Minh.
Việc sử dụng chất cấm khiến ngành chăn nuôi thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, người tiêu dùng tẩy chay. Ảnh: Bá Minh.
TP - Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (chủ yếu là chất tăng trọng Salbutamol) đang rất báo động, khi cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện loại chất độc hại (có thể gây ung thư) này ở nhiều tỉnh thành.

Trong khi Bộ NN&PTNT cấm sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi, Bộ Y tế vẫn cho phép lưu hành trong điều trị bệnh, có thể tạo kẽ hở gây họa cho sức khỏe người dân.

Đề nghị cơ quan công an vào cuộc

Theo thông tin mới nhất từ Thanh tra Bộ NN&PTNT, trong tháng 8 và đầu tháng 9 này, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện 16 lô lợn có chất cấm Salbutamol. Trong đó, Đồng Nai phát hiện 6 lô, Tiền Giang 2 lô, Long An 2 lô, Vĩnh Long 2 lô, Bến Tre 2 lô và Bà Rịa Vũng Tàu 2 lô. Hiện, cơ quan công an đã vào cuộc, phối hợp điều tra, truy xuất nguồn gốc các lô hàng có chất cấm trên.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, thực tế người dân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang “rất căng”, đặc biệt là tại Đồng Nai, nơi có khoảng 2.100 trang trại nuôi lợn. Theo ông Dũng, Đồng Nai đang cho “phong tỏa” một số khu vực trọng điểm, nơi thương lái “tập kết” vỗ béo lợn bằng chất cấm. Thông tin từ cơ quan điều tra cho thấy, khi truy xuất nguồn lợn có chất cấm, thường thấy các đối tượng khai địa chỉ, số chứng minh thư, số xe chở lợn không khớp. “Một phần trách nhiệm thuộc về cơ quan thú y”, ông Dũng nói.

“Bộ Y tế có đầy đủ các văn bản quy định điều kiện nhập khẩu đến kê đơn với Salbutamol. Sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi là vi phạm pháp luật, và cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về quản lý mặt hàng đó phải tăng cường thanh kiểm tra, giám sát và xử phạt nghiêm đối tượng vi phạm”.

Ông Nguyễn Thanh Phong

Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, tại Tiền Giang, chất cấm trong chăn nuôi cũng báo động đỏ, có tới 25/38 mẫu dính chất cấm. Ông Dũng cho rằng, lo ngại nhất là TPHCM - thị trường tiêu thụ chính nguồn lợn từ các địa phương đưa về. TPHCM đã lên kế hoạch giám sát toàn bộ các lò mổ trên địa bàn, lấy mẫu kiểm tra chất cấm, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, vừa có cơ sở để truy xuất nguồn lợn có chất cấm.

Trong khi đó, “ông lớn” của ngành chăn nuôi cả nước - Cty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, nơi từng phát hiện 2 trang trại gia công “dính” chất cấm, đang “siết” toàn bộ hệ thống. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Linh, đại diện Cty này cho biết: Không có chủ trương dùng chất cấm trong sản xuất cám. Tất cả các trang trại của Cty không được sử dụng con giống, thức ăn, thuốc thú y ở ngoài.

Hiện tất cả các lô lợn hơi đều được kiểm tra chất cấm trước khi xuất chuồng. Ông Linh nói: “Chúng tôi đã có thông báo trên toàn hệ thống trang trại của Cty. Nếu ai vi phạm sẽ chấm dứt hợp đồng, đề nghị công an điều tra, xử lý theo pháp luật”.

Theo đại diện Cty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco),  vừa rồi, thương lái sau khi mua lợn của Anco, đã tập kết trại trung gian vỗ béo bằng chất cấm trước khi đưa đến lò mổ. Việc này, làm ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của Cty. “Chúng tôi đã đề nghị công an điều tra, chứ không thể chấp nhận việc dùng chất cấm. Chúng tôi đã đề nghị Chi cục Thú y Đồng Nai hỗ trợ kiểm soát trong cấp giấy kiểm dịch”- đại diện Cty Anco nói.

“Bóng ma” chất cấm bao phủ trang trại lớn

Do ảnh hưởng của chất cấm, giá lợn hơi ở các tỉnh phía Nam đang giảm mạnh, do người tiêu dùng lo ngại mua, người chăn nuôi chân chính bị thiệt hại nặng, nguy cơ thịt ngoại ồ ạt nhập về. Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trước đây, chất cấm chủ yếu ở các hộ chăn nuôi, làm cám nhỏ lẻ. Tuy nhiên, hiện “bóng ma” chất cấm đã len vào những hệ thống trang trại lớn, thậm chí cả trại gia công vốn quản lý rất chặt, các cơ sở làm thuốc thú y, nên càng nguy hiểm, báo động hơn.

Theo ông Dương, việc xuất hiện ở các trại gia công là do các công ty lớn không kiểm tra thường xuyên. “Với các doanh nghiệp lớn CP, Anco…để giữ thương hiệu, họ phải chủ động xử lý trước chứ không phải chờ cơ quan nhà nước”, ông Dương nói.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ trưởng NN&PTNT vừa có chỉ thị “tổng kiểm tra” về chất cấm trong cả nước. Đồng thời, Cục đang cho sửa Thông tư 57, cho phép sử dụng que thử nhanh qua nước tiểu để kiểm tra chất cấm. Loại que thử chỉ khoảng 5 phút là có kết quả.

Vì sao tình trạng sử dụng chất cấm bùng phát trở lại? ông Dương cho rằng, Salbutamol là loại dược phẩm Bộ Y tế đang cho phép sử dụng trong điều trị hen suyễn, trong khi Bộ NN&PTNT lại cấm dùng trong chăn nuôi. Do vậy, Bộ Y tế cần kiểm soát rất chặt, từ việc nhập khẩu, quá trình sử dụng loại dược phẩm này.

Theo ông Dương, qua kiểm tra cho thấy, 100% các mẫu dương tính là chất cấm Salbutamol. Nếu để sử dụng tràn lan Salbutamol ra ngoài, vô tình nó sẽ gây họa cho chăn nuôi và sức khỏe người dân. “Chúng ta không thể bắt một người mua bán chất này. Chỉ khi nào trộn vào cám và sử dụng cho chăn nuôi mới là phạm pháp”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Phong-Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Salbutamol bị cấm trong chăn nuôi, nhưng đây là dược phẩm không thể thiếu để chữa bệnh hen phế quản và các bệnh khác ở người. “Như trước đây, có tồn dư cloramphenicol trong thủy sản, có người đề nghị không cho buôn bán, sử dụng. Nhưng như thế thì chết, vì đây là thuốc chữa trị tiêu chảy, không có thì chữa bệnh làm sao được?”, ông Phong nói.

MỚI - NÓNG