Trong khi vụ hè thu chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng nữa, nếu không giải quyết kịp thời sinh kế của hàng chục triệu hộ dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ ảnh hưởng nặng nề, chậm ngày nào nông dân thiệt ngày đó.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Cty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, sau khi Ngân hàng Nhà nước có công văn chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho DN lúa gạo tiếp cận với nguồn vốn ngoài hạn mức để thu mua lúa, các DN đều trông mong nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu gì của các ngân hàng.
Theo ông Bình, việc Ngân hàng Nhà nước có động thái hỗ trợ DN như trên là tín hiện tích cực, song nội dung chưa cụ thể. Do vậy, các ngân hàng thương mại phải cân nhắc, xét kỹ, làm kéo dài thời gian và khả năng tiếp cận của DN. Mặt khác, tình hình hiện nay rất cấp bách, vụ hè thu chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng nữa, nếu không kịp thời thu mua sẽ kéo ách tắc sang vụ đông xuân, người dân sẽ bỏ vụ, chán nản.
“Giá lúa gạo mà xuống quá thấp, chúng ta cũng phải tính phương án giảm diện tích để thay vào các cây trồng khác cho hiệu quả. Không thể đổi thành tích sản lượng xuất khẩu lấy sự rủi ro cho nông dân”.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan
“Doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền chia sẻ với người dân, chỉ cần DN có tiền để thu mua, lúa gạo về chế biến, dự trữ sẽ vẫn còn đó. Việc xuất khẩu của DN bị ảnh hưởng cũng đã ảnh hưởng rồi, nhưng người nông dân bây giờ chậm ngày nào là thiệt hại ngày đó”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho rằng, hiện việc đi lại thu mua lúa tại các địa phương vẫn hết sức khó khăn. Mỗi nơi mỗi kiểu, có tỉnh yêu cầu giấy xét nghiệm nhanh COVID-19 có hiệu lực trong vòng 24 tiếng, có tỉnh 72 tiếng và chỉ được phép đi vào ban ngày.
DN khi xuống các địa phương để thu mua, vào các ấp, xã, chưa đến nơi, giấy xét nghiệm đã hết hiệu lực nên không thể thu mua được đành phải quay về, các thương lái hiện cũng ngán ngẩm.
Theo ông Đôn, để hỗ trợ DN thu mua, các địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cần thống nhất quy trình kiểm tra và các quy định về phòng dịch đảm bảo liên thông, tránh làm đứt gãy khâu thu mua, vận chuyển, sản xuất của DN.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện giờ là khâu thu hoạch, lưu thông. Các địa phương ở ĐBSCL cần xác định là một không gian kinh tế thống nhất, không thể “ngăn sông cấm chợ”. Hiện, Tổ công tác của bộ đã họp bàn với các địa phương và thống nhất đề xuất phương án xây dựng “luồng xanh” đường thủy trong vùng đảm bảo việc thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ lúa và nông sản của nông dân; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu tiên cho các đối tượng tham gia thu hoạch, tiêu thụ lúa cho nông dân.