Giai điệu Tự hào số 4 mang chủ đề “Ăn no, đánh thắng” chắc chắn mang lại những cảm xúc mới lạ cho khán giả truyền hình khi nghe lại những bài ca “xưa cũ”.
Không giống bất kỳ chương trình ca nhạc kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên nào trước đây, Giai điệu Tự hào tôn vinh sức mạnh của những con người vô danh trong cuộc chiến ấy: là anh bộ đội về làng trong ca khúc cùng tên, là người dân công dùng xe đạp thồ tải gạo, là những người nông dân trong “Hò dân cày”, người phụ nữ nơi hậu phương trong “Lên ngàn” và cả hàng triệu triệu giọt mồ hôi, xương máu của những chiến sĩ trong “Hò kéo pháo”…
Tùng Dương, Hương Hồ khoe giọng
Theo học ngành thanh nhạc chuyên nghiệp tại Học viện âm nhạc Quốc gia nhưng có lẽ đây là một trong những lần hiếm hoi Tùng Dương hát opera. Chất giọng tenor, dày, sáng của anh đã mang sắc diện hoàn toàn mới cho ca khúc “Ca ngợi Hồ chủ tịch” của cố nhạc sĩ Văn Cao.
Lịch lãm trong bộ vest đen, đứng giữa 1000 cây nến, cùng hình nền là bản ký họa chân dung Bác của Danh họa Phan Kế An được tái hiện bằng phần mềm điện tử, Tùng Dương chở cả bầu trời ký ức về vị Cha già qua tiếng hát của mình. Tùng Dương kể, anh đã thu âm tới hơn 20 lần từ chiều tới khuya mới hài lòng về phần thể hiện của mình.
Tùng Dương lần đầu hát opera.
Hồ Quỳnh Hương hát 'Lên ngàn'.
Đứng giữa biển trời mờ sương, hình ảnh dòng Vàm Cỏ Đông mênh mông sông nước và chiếc thuyền độc mộc, giọng ca '3 quãng 8' Hồ Quỳnh Hương với ca khúc 'Lên ngàn' cất lên như một nốt trầm thật đẹp, sâu lắng. Tứ tấu cello đảm nhiệm hoàn toàn phần phối khí là điều chưa ai từng thể nghiệm với ca khúc này.
Cả mô hình khẩu pháo mặt đất 105mm theo tỷ lệ 1:1, chiếc xe thồ trong chiến dịch Điện Biên hay chiếc súng SKZ – thành tựu khoa học quân sự tiêu biểu nhất được mang lên sân khấu Giai điệu tự hào lần này. Không chỉ nghe nhạc, khán giả truyền hình hai thế hệ sẽ cùng nghe lại những ký ức về Điện Biên Phủ ngày ấy, về hình ảnh anh bộ đội thời nay và cả những vấn đề của thời đại.
Quốc Trung rời ghế Giám đốc âm nhạc
Sau 3 số liên tiếp đảm nhiệm vai trò Giám đốc âm nhạc của Giai điệu Tự hào, ở số phát sóng thứ 4 với chủ đề Ăn no đánh thắng, Quốc Trung không đảm nhiệm vị trí này nữa. Anh nhường chức lại cho người cộng sự thân thiết – Nhạc sĩ Thanh Phương. Hóa giải lời đồn đoán về sự xích mích với ekip sản xuất chương trình, Quốc Trung ngồi ghế nóng khách mời bình luận.
Bên thềm đêm diễn, nhạc sĩ Thanh Phương chia sẻ: “Áp lực, đó là cảm giác của tôi khi đảm nhiệm toàn bộ việc định hướng, sản xuất âm nhạc cho số Điện Biên Phủ lần này. Không chỉ tính kinh điển, màu sắc chính trị trong ca khúc lần này khá nặng. Nó không cho phép nhạc sĩ được phá cách quá nhiều bởi nếu quá tay, sự phản cảm là điều không ngoài tầm dự đoán”.
Thanh Phương mang rock heavy metal vào Hò kéo pháo.
Nhạc sĩ Quốc Trung rời ghế giám đốc âm nhạc để nhường cho nhạc sĩ Thanh Phương. Thay vào đó anh ngồi ghế hội đồng bình luận.
Nhưng trái ngược hẳn với sự e dè của nhạc sĩ lúc ban đầu, công chúng chắc chắn sẽ rất ngạc nhiên khi được chứng kiến Thanh Phương mang rock heavy metal vào Hò kéo pháo – một đỉnh cao âm nhạc của Nhạc sĩ Hoàng Vân. Ba giọng ca trẻ Hoàng Hiệp Ngũ Cung, Nông Tiến Bắc, Minh Trí cùng phần solo guitar điện của Trần Thắng khiến cả khán phòng bùng nổ. Khách mời trẻ rũ bỏ vẻ ngoài đạo mạo, tất cả cùng đồng loạt reo hò, nhảy lên như những fan rock thực thụ.
Trả lời cho câu hỏi về sự ra đi của Quốc Trung, đại diện của Nhà sản xuất cho biết: “Không hề có sự chia ly nào ở đây. Vì yêu cầu âm nhạc của Giai điệu tự hào quá khắt khe, lịch ghi hình chương trình liên tiếp nên sẽ rất vất vả cho Giám đốc âm nhạc nếu một mình anh phải đảm nhiệm quá nhiều việc cùng một lúc. Quốc Trung và Thanh Phương lần lượt cùng đảm nhiệm chức vụ này sẽ là phương án hợp lý, cân bằng về tài năng và nhân cách”.